Trà shan tuyết cổ thụ Tà Xùa được chế biến từ nguyên liệu là cây trà Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Có thể coi những cây trà cổ thụ nơi đây là đặc sản của Tà Xùa nói riêng và của Việt Nam nói chung. Với đặc tính cây trà mọc trên vùng cao, quanh năm có khí hậu từ mát tới lạnh sâu và đặc điểm thổ nhưỡng cho phép cây trà sống và phát triển mạnh mà không cần sự chăm bón của dân bản vì thế nó sạch tới mức thuần khiết.
Trà shan tuyết cổ thụ Tà Xùa pha đúng cách sẽ khiến bạn thấy được sự thanh khiết từ hương thơm và hậu vị của loại trà này. Vậy làm sao để có được chén trà đó ?
Dưới đây là cách pha trà được tổng kết từ kinh nghiệm mang tính chủ quan , nay chúng tôi xin mang cách đó đến với mọi người, rất mong được nhận thêm những góp ý từ cộng đồng để chúng ta có thêm những chén trà ngon!
Nước: quý vị dùng nước lọc hoặc nước mưa (nếu có), vì các loại nước này hạn chế các tạp chất tạo mùi lạ sẽ làm ảnh hưởng đến hương của Trà.
Trà cụ (căn bản cũng là quan trọng nhất): Ấm chuyên [dùng pha trà], Chén tống [chén to(cũng có thể dùng một chiếc ấm để thay thế) có thể đựng được lượng nước trà đủ san ra các chén trà với số chén theo số người uống], Thìa [dùng để xúc trà tránh tiếp xúc bằng tay] và Chén quân [chén để uống trà], lựa những chiếc chén quân có độ lớn đựng được lượng nước trà đủ cho 3 ngụm một ngụm lớn và hai ngụm bé.
1. Đun nước: Tốt nhất nên đun nước từ bếp gas hoặc bếp than hoa để nước nóng lên từ từ đến sôi lớn nhấc ra mở nắp ấm để cho nước trong ấm trở lại phẳng lặng [việc này giúp hạ nhiệt độ nước], rót nước vào phích từ độ cao khoảng 30cm với dòng nước có đường kính khoảng 1cm [tiếp tục hạ nhiệt độ nước]. Với cách đun và rót nước vào phích như vậy thì sau khi rót nước xong quý vị sẽ có phích nước với độ nóng thích hợp để pha trà Tà Xùa.
2. Cho lượng trà thích hợp (tùy thuộc vào khẩu vị của quý vị, với tôi thường thì 1-2 người uống, một lạng pha khoảng 9-10 ấm, từ 3 người trở lên một lạng pha khoảng 6-8 ấm) vào ấm chuyên.
3. Thức trà: Rót nước từ độ cao khoảng 10cm, dòng nước lớn, lượng nước vừa ngập trà trong chuyên, lắc nhẹ ấm và rót ra ngay, sau khi rót nước đi để nguyên như vậy khoảng 10 giây.
4. Trong khi chờ cho Trà ngậm nước các bạn tráng chén tống và chén quân với nước nóng.
5. Om trà lần đầu: Rót nước vào ấm từ độ cao 15cm với dòng nước nhỏ đến ngập trà trong chuyên mực nước vượt khỏi trà bằng 1/3 lượng trà trong ấm, ủ khoảng 15 giây, sau đó rót ra chén tống.
6. Om trà những lần tiếp theo: Sau khi uống hết trà của nước đầu tiên chúng ta tiến hành ủ tiếp trà để cùng nhau thưởng thức, cách rót nước vẫn như lần ủ đầu tiên xong thời gian ủ cứ lần sau bằng thời gian ủ lần trước cộng thêm 3 – 5 giây, mỗi lần ủ xong đều rót hết trà ra chén tống.
Trà đã được rót ra chén tống giờ chúng ta rót ra các chén quân để thưởng thức, với chén trà đầu tiên này chúng ta nên uống thành 3 ngụm [cách này vừa để thưởng thức vừa là để tỏ lòng cảm tạ đối với người mời trà cũng là để kiểm tra chất lượng trà]: ngụm thứ nhất bé đủ để nếm ở đầu lưỡi và đồng thời ngửi hương thơm của trà, ngụm thứ hai uống một ngụm lớn gần hết chén trà đẩy cho trà tràn vào mọi ngóc ngách trong khoang miệng (nhưng tuyệt nhiên không được để phát ra tiếng sẽ ảnh hưởng đến cảm giác của người cùng thưởng thức trà) rồi nuốt hết, hãy cảm nhận hậu hương của Trà, ngụm thứ ba uống hết chỗ còn lại nhằm kiểm lại tiền hương, tiền vị và kiểm thêm hậu vị của Trà. Từ chén trà thứ 2 mỗi người uống theo cách riêng của mình, từng ngụm nhỏ hay một ngụm lớn tùy thích sao cho thấy sảng khoái.
*** Trên đây chúng tôi cố gắng đưa ra một phương pháp pha trà nhằm có được những chén trà đạt các tiêu chí vị đượm mà không nồng, hương thanh, ấm trà được bền hương và vị.
Chúc quý vị có được những chén trà ưng ý !
Nguồn: Thưởng Trà – Việt Bắc
Click Ngay