Điểm khác biệt của chè đen là không được diệt men như thông thường mà để lên men tự nhiên, tạo ra hương vị đậm đà với màu nước đỏ đặc biệt.
Trong đời sống người Việt, chè không chỉ là thức uống giải nhiệt hàng ngày mà còn là một nét đẹp văn hóa. Ngày nay, các sản phẩm từ chè trong đó có chè đen Mỹ Bằng, Tuyên Quang ngày càng được nhiều người ưa chuộng và trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chính.
Mỹ Bằng có địa hình đồi bát úp, khí hậu nhiệt đới ẩm và nền đất cát pha. Đây là điều kiện thuận lợi để cây chè sinh trưởng và cho chất lượng thơm ngon. Cây chè Mỹ Bằng không chỉ được dùng để sản xuất chè búp khô mà còn chế biến thành chè đen được thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, tại xã Mỹ Bằng, hầu hết bà con trồng chè đều tham gia mô hình sản xuất tập thể liên kết với doanh nghiệp. Theo đó, công nhân chia về từng tổ (đội) sản xuất, mỗi nhóm lại có tổ bảo vệ thực vật riêng. Người trồng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo sự hướng dẫn để đảm bảo cây khỏe mạnh, tránh lây nhiễm ra diện rộng khi phát hiện sâu bệnh.
Chị Lê Thị Thu, thành viên tổ sản xuất chè tại thôn 13, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn cho biết, ở giai đoạn đầu, khi trồng cây mới, người dân rắc vôi khử khuẩn và bón lót với phân lân. Khi phát hiện sâu bệnh, người trồng báo lại cho tổ bảo vệ thực vật để đội xuống kiểm tra, nếu cần thiết sẽ tiến hành phun thuốc và cách ly đúng ngày. Từ cây chè non, sau 3 năm, cây sinh trưởng tốt chủ yếu nhờ nước mưa và phân chuồng hoai mục.
Chè đen có quy trình chế biến khác biệt với các loại chè khô thông thường. Nếu chè xanh hay chè khô được để lên men rồi diệt men cho hương vị thuần khiết thanh nhẹ, thì chè đen lại được lên men hoàn toàn cho vị đậm đà hơn.
Cụ thể, sau khi thu hoạch, búp được đưa về nhà máy chế biến. Tại đây, chè trải qua công đoạn héo lá, sau khi hơi nước còn 70-75% thì đưa vào các bao tải và chuyển sang dây chuyền sản xuất chè đen.
Tiếp đó, nguyên liệu được nghiền nát, sàng tách, chỉ lấy những phần non vào máy cắt rồi đi qua máy định hình hạt chè. Do được chế biến trực tiếp từ chè héo nên nguyên liệu vẫn giữ màu xanh tươi tự nhiên. Lúc này, chè được để lên men ở 20-25 độ C, độ ẩm trên 80%. Sau 60 phút lên men, người làm tiến hành công đoạn sấy. Tùy theo khối lượng và thời tiết mà thời gian sấy khác nhau. Sau đó, sản phẩm được đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Chè đen có thể pha chế theo nhiều cách như thêm chanh, đường, thậm chí tạo ra loại có hương vị chocolate độc đáo. Hiện nay, Mỹ Bằng cung cấp khoảng 2.000 tấn chè đen mỗi năm. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm còn xuất khẩu đi châu Âu, Trung Đông, châu Á.
Click Ngay