TIN TỨC

Có nên uống trà đặc?

Monday, 26/02/2018

Thường thì, khi là khách mới của quán, chúng mình vẫn hay bị chê “trà nhà em nhạt quá” hay là “anh/chị quen uống đậm hơn” hoặc là “trà nhà bạn chẳng có vị gì cả”. Các trà nương lúc đầu thì hơi lúng túng một tí bởi “rõ ràng là em đã pha đậm hơn rồi mà khách vẫn bảo nhạt chị ạ!”. Sau rồi cũng quen dần.

thuong-tra-xinh-gai-khach

Bản thân mình trước đây cũng vậy, quen với vị đặc chát mỗi khi uống trà. Cái cảm giác nhấp một ngụm trà chát xít nơi cổ họng. Chờ một lúc, vị ngọt lại miệng làm ta thỏa mãn vị giác chẳng đặng phải xuýt xoa “trà ngon thế!”. Ấy nhưng, hôm nào đang đói mà uống trà thì đảm bảo thấy trời đất quay cuồng vì “say”, rồi nghe bụng sôi ùng ục ngay lập tức. Thành ra, ngày xưa, nhắc tới uống trà là thấy…không thích hoặc ghê ghê. Nhưng khổ nỗi, ai đã quen với cái vị chát xít ấy rồi thì thành nghiện, khó lòng mà bỏ được lắm.

Nhưng các bạn biết không? Việc uống trà “đặc cắm tăm” lại gây nhiều tác hại tới sức khoẻ. Bởi:

1. Trà đặc có hàm lượng cafein cao.

Trong trà có cafein. Hàm lượng càng cao có thể gây căng thẳng và ảnh hưởng tới não bộ. Ngoài ra, theo các nghiên cứu gần đây, trà đặc dễ gây kết tủa các vi lượng như sắt, canxi, mangan… khiến cơ thể không hấp thụ được.

2. Trà đặc khiến tê liệt thần kinh vị giác:

Trong trà có chứa tanin, khi uống trà quá đặc sẽ gây chát và làm tê liệt thần kinh vị giác khiến cho chúng ta khó có thể nhận biết được các thành phần khác, cũng như vị ngọt của Trà.

3. Trà đặc gây kích thích dạ dày

Nếu pha đúng cách, Trà sẽ giúp hấp thụ khí, giảm stress, thúc đẩy lưu lượng máu đến hệ tiêu hóa và loại bỏ các chất thải độc, ô nhiễm tốt hơn. Tuy nhiên, khi uống Trà đặc chát, dạ dày sẽ bị kích thích và tiết ra nhiều acid hơn khiến hệ tiêu hoá phải làm việc quá sức. Ngoài ra, tanin trong Trà kết hợp cùng protein sẽ gây gây hiện tượng khó tiêu.

Để pha một ấm Trà vừa ngon thơm ngọt lành, lại có lợi cho sức khoẻ là một việc rất dễ dàng. Sau đây là những bí quyết giúp bạn có được một tách trà thơm:

– Khi pha trà cần chú ý đến nhiệt độ để Trà không bị chát. Khi nước sôi, có thể rót trà ra một chiếc Tống để giảm nhiệt độ nước.
– Thời gian hãm Trà từ 7 – 10s cho lượt nước đầu tiên, cộng thêm 5s cho các lượt pha tiếp theo.
– Không hãm trà quá lâu. Nếu muốn ly trà có vị đậm, bạn nên cho thêm nhiều trà hơn thay vì hãm chúng quá lâu. Thường, mức trà vừa với 1 ấm bằng khoảng 1/3 thể tích ấm.
– Sau khi thức trà xong, cần để Trà có thời gian “nghỉ ngơi” trước khi pha. Om Trà trong ấm chừng 7-10s để các cánh trà ngậm nước, toả hương trong những lần pha sau.

Nhưng đừng ngại nếu bạn đã nghiện món trà đặc cùng vài ba miếng kẹo lạc ngọt ngào giúp xua tan đi cái đắng, bởi xét cho cùng việc uống trà, nói cao xa gì đâu thì cũng là một thức uống theo sở thích cá nhân mà thôi .

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay