TIN TỨC

Còn đó những danh trà B’lao – Kỳ cuối

Sunday, 12/03/2017

Trên thực tế, rất nhiều cơ sở làm ăn chân chính đang phải chịu cảnh “sống chung” với những “con sâu” làm rầu nồi canh. Tự bản thân họ đang phải tìm nhiều cách để tự cứu lấy mình. Khẳng định trà B’Lao vẫn tồn tại rất nhiều thương hiệu uy tín, trong suốt quá trình điều tra, chúng tôi đã liên hệ với nhiều nông dân, cơ sở, doanh nghiệp, công ty sản xuất và chế biến trà đen, trà ướp hương để làm sáng tỏ vấn đề này.

tra-ban-o-b-lao-lam-dong14
Có thể hệ thống lại đường đi của trà bẩn như sau: Bã trà xanh và trà phế thải được mua từ Bình Dương và một số tỉnh phía Bắc đưa về Bảo Lộc. Tại đây, các cơ sở chế biến trà sẽ đấu trộn trà bẩn với trà đặc thù của địa phương. Loại trà pha trộn này tiếp tục được bán lại cho các cơ sở trà ướp hương để đóng gói đưa ra thị trường hoặc bán cho các công ty để xuất bán trong và ngoài nước.

Hình dung như vậy để thấy rằng, muốn trà bẩn không còn “đất sống” thì phụ thuộc vào rất nhiều đầu mối khác nhau, mà tiên quyết là các doanh nghiệp trà tại Bảo Lộc phải kiên quyết nói không với trà bẩn.

 

Cụ Đỗ Thị Ngọc Sâm (89 tuổi) – chủ Danh trà Đỗ Hữu: Đáng buồn và thất vọng!

Chừng này tuổi, tôi đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển của trà B’Lao và đang rất tự hào về Thương hiệu Trà B’Lao mà bao thế hệ làm trà đã gầy dựng được. Đến nay, Trà B’Lao không chỉ nổi danh trong nước mà cả trên thế giới. Tôi thật buồn và thất vọng khi nghe Trà B’Lao bị trộn trà bẩn để trục lợi cá nhân.

Hơn 50 năm gắn bó với Trà B’Lao, tôi dám khẳng định đây chỉ là số ít cơ sở nhỏ lẻ, những “con sâu” dựa vào uy tín của Trà B’Lao đã có được trong suốt mấy chục năm qua để đục khoét, trục lợi cho riêng mình.

Trà là thức uống thường ngày và là một trong những vị thuốc được thiên nhiên ban tặng để chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho con người. Suốt thời gian dài, người trồng, chế biến trà tại Bảo Lộc luôn tự hào về sản phẩm mình làm ra và ra sức để bảo vệ nó.

Để trả lại niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như bảo vệ người trồng, chế biến và cả Thương hiệu Trà B’Lao đã có tiếng từ lâu đời, chính quyền địa phương phải xử lý dứt điểm tình trạng trà bẩn, trả lại sự “trong sạch” cho những người làm ăn chân chính.

Ông Trần Đại Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thiên Thành (phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc), cho biết: “Cách đây khoảng 6 tháng, Công ty tôi có nhập lô hàng từ 2 nhà máy tại Bảo Lộc chuyên cung ứng trà đen. Sau đó, tôi phát hiện trong lô hàng này có pha trộn bã trà xanh không độ vì trà có mùi chua. Để chắc chắn, tôi đã pha thử nước uống thì đúng là có sự đấu trộn bã trà bẩn. Tôi kiên quyết trả lô hàng này lại cho 2 nhà máy cung ứng. Hiện nay, các cơ sở cung ứng trà đen cho các doanh nghiệp trà ướp hương tại Bảo Lộc thường không trực tiếp sản xuất mà chủ yếu thu gom nguồn hàng từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, bản thân họ cũng không hề biết có sự đấu trộn bã trà bẩn vào. Đây là vấn đề nan giải cho chính các cơ sở chế biến trà ướp hương. Ngay cả cơ quan chức năng vẫn còn thờ ơ trong công tác kiểm định và quản lý chất lượng sản phẩm trà từ các cơ sở sản xuất, nên doanh nghiệp như chúng tôi chỉ biết “tự cứu” lấy mình bằng cách đề phòng và kiểm tra kỹ nếu nghi ngờ nguồn hàng có dấu hiệu trộn bã trà”.

tra-ban-o-b-lao-lam-dong14

Trước đây, việc trộn lẫn bã trà, trà phế phẩm vào các sản phẩm trà xanh viên (chủ yếu để xuất khẩu) và trà đen (dùng chế biến thành trà ướp hương) là rất phổ biến. Nhiều nhà máy sản xuất trà công khai chào bán nguồn hàng này cho các cơ sở chế biến. Thời gian gần đây thì hoạt động này có lắng xuống nhưng vẫn âm ỉ tồn tại trong làng trà B’Lao. Bản thân bã trà xanh khi đem phơi hoặc sấy khô thì cánh trà rất nhỏ và đẹp. Khi đem trộn với trà đen hoặc trà xanh viên thì không chỉ vừa tăng trọng lượng mà còn “làm đẹp” trà.

Việc tồn tại loại trà có trộn bã trà đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp và uy tín của Thương hiệu Trà B’Lao. Đơn cử, nếu chỉ đấu trộn với tỷ lệ 1/10 thì giá thành của một kg trà bẩn này đã giảm hơn rất nhiều so với trà chính gốc. Từ đó, các cơ sở sản xuất trà bẩn thu lợi nhuận lớn, hoặc là tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh về giá.

tra-ban-o-b-lao-lam-dong14

Bà Nguyễn Thị Hạt, chủ cơ sở sản xuất trà đen (xã Lộc Châu), bày tỏ: “Nhiều cơ sở vì chạy theo lợi nhuận hoặc tăng sức cạnh tranh đã bất chấp sử dụng bã trà bẩn để sản xuất. Riêng bản thân tôi thấy cách làm ăn đó mất đạo đức và không vững bền nên cứ làm theo cách truyền thống xưa nay. Mình có thể thu lời ít nhưng an toàn cho người sử dụng là quan trọng nhất”.

Diện tích trà Lâm Đồng chiếm hơn 20% diện tích trà cả nước và 90% diện tích trà các tỉnh phía Nam. Hiện, Lâm Đồng có trên 24 ngàn ha trà, tập trung chủ yếu tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Diện tích trà có chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng như ISO, VietGap chiếm trên 30%.

Theo số liệu của Hiệp hội Chè Việt Nam, giá trị xuất khẩu hàng năm của trà Lâm Đồng đạt 16 triệu USD, góp phần giải quyết việc làm cho 55 ngàn lao động. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Trung Đông và Châu Âu… Mỗi năm, sản lượng đạt gần 200 ngàn tấn trà búp tươi, tương đương 40 ngàn tấn trà búp khô, trong đó xuất khẩu 12 ngàn tấn.

Trà Lâm Đồng xây dựng được thương hiệu và từng bước khẳng định vị thế với thị trường trong và ngoài nước. Nếu nói đến trà Việt Nam thì Lâm Đồng được khách hàng quốc tế ưa chuộng hơn hẳn vì chất lượng rất thơm ngon.
Ông Đỗ Hiến Pháp (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc), ray rứt: “Để sản xuất được những búp trà tươi ngon, người nông dân phải đầu tư rất nhiều công sức. Vậy mà khi đem đến các nhà máy để bán thì nhiều khi giá bán không đủ công hái. Người nông dân rất vất vả để có thể thu hái loại trà tươi ngon và có chất lượng. Nếu đem sản phẩm của chúng tôi mà trộn lẫn với bã trà thì dĩ nhiên chất lượng sẽ bị sụt giảm và mang tiếng xấu cho người trồng trà. Có hôm mang trà ra nhà máy bán, chủ nhà máy bảo giá hạ vì các nhà máy khác có trộn bã trà, nhà máy này không trộn nên phải hạ giá mua vào mới cạnh tranh nổi. Cuối cùng thiệt thòi người nông dân lãnh đủ và lợi ích của người trồng trà bị xâm hại nghiêm trọng”.

Trong suốt thời gian dài, TP Bảo Lộc đã nỗ lực để khôi phục và phát triển Thương hiệu Trà B’Lao. Nếu không “trị” được tận gốc những cơ sở sản xuất trà bất chính thì xem ra công sức này đành “đổ sông, đổ biển”. Cần lắm những chương trình, những lễ hội để quảng bá thương hiệu, nhưng càng cần hơn những biện pháp quản lý chất lượng trà một cách sát sao và triệt để ngay từ những cơ sở nhỏ lẻ. Có như vậy, Thương hiệu Trà B’Lao mới có thể phát triển bền vững.

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay