Hôm nay, tôi muốn chia sẻ cùng quý trà hữu một kinh nghiệm thú vị mà tôi vừa hân hạnh được thọ giáo từ một chủ vườn trà tại Vũ Di Sơn, thánh địa của những cây chè Ôlong ( hay còn gọi là giống chè hương ) lừng danh như Thuỷ Tiên, Nhục Quế, Kỳ Lan, Hoàng Mai Côi, Bách Thuỵ Hương …
Vũ Di Sơn được biết đến trước tiên bởi loại trà đặc trưng xếp vào hàng Nham Trà ( ngang hàng với cách ta gọi những thể loại khác như Lục Trà, Hồng Trà, Bạch Trà, Hắc Trà…vv… ). Trong danh sách “ thập đại danh trà Trung Hoa” cũng có tên Nham Trà Vũ Di dự phần, tuy nhiên việc xếp loại của cái bảng đó đến nay là không còn thoả đáng nữa, anh chị em đọc để biết chứ không nên lấy làm chuẩn mực thưởng trà Tàu trong thế kỷ XXI .
Nham Trà được làm từ những cây chè hương, cùng phân chủng với các cây chè hương dùng làm ra trà Ôlong lên men nhẹ cho ra màu nước vàng chanh mà người Việt Nam ta quen dùng. Vì lẽ đó, Nham Trà cũng chính là trà Ôlong nhưng do cách thức chế biến đặc trưng ( phải kinh qua ba lần sấy lò điện nhiệt độ cao và một lần sấy trong phòng than hầm ) của Vũ Di Sơn mà người ta tách bạch kêu riêng cái tên Nham Trà và không cần gọi dài dòng Nham Trà Ôlong. Các bạn có thể “Gúc” trên mạng để tìm hiểu rộng thêm ra về Nham Trà, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chủ yếu muốn nhấn mạnh đến cách thức pha Nham Trà tối ưu theo đúng lối truyền thống Vũ Di Sơn.
Nhiều năm nay tôi vẫn thường pha Nham Trà theo tỉ lệ tôi quen pha với các loại trà khác :
– 1g trà khô ứng với dung tích 25- 30ml nước ( nước sôi già đối với Nham Trà ) nghĩa là nếu dùng ấm tử sa dung tích 100- 120ml thì cần 4-5g trà khô. Sở dĩ tôi nói “dung tích 12ml” mà không nói 12ml là vì khi trà khô chiếm không gian ấm thì tỉ lệ 1g/ 12ml là không chính xác, có nghĩa là nước trà rót ra để uống sẽ chỉ chừng 8ml ứng với 1g trà khô… Ấm 60ml của tôi chiều nay và 4.5g trà khô.
Pha như thế, tôi vẫn thưởng thức được hương thơm như quả mọng quện với hương khói dịu êm toát ta từ ấm Nham Trà nóng. Pha như thế, vị trà luôn ngòn ngọt thanh thanh nhưng uống kéo dài thì sẽ hơi ngán do thiếu dấu ấn. Những bạn trà Việt Nam nào chỉ “phê “ được với ấm
trà xanh Thái Nguyên pha đặc hay ấm
trà cổ thụ Hà Giang mạnh đô sẽ không mấy ấn tượng với vị Nham Trà dù cũng có thể xuýt xoa khen thơm.
Kỷ niệm đáng nhớ của tôi cách đây không lâu là tôi được bạn chủ vườn trà ở Vũ Di trân tặng một gói nhỏ xíu cỡ 8g cực phẩm Ngưu Lang Khanh Nhục Quế. Tôi cắc củm cân đúng 4g bỏ vào chiếc ấm 110ml và nhâm nhi hạnh phúc. Hương thơm Ngưu Lang Khanh thì khỏi phải nói, độc đáo vô ngần, nhiều lớp lang ảo diệu, vô cùng khó tả cho rành mạch. Vị trà Ngưu Lang Khanh cay the nhè nhẹ đúng phong vị Nhục Quế nhưng cũng không cách xa quá với Nhục Quế vùng khác như Mã Đầu Nham, Ngô Tam Địa…
Trong hình là ấm Nhục Quế ( làng Ngô Tam Địa ) chiều nay của tôi, pha theo cách vừa kể.
Tôi hí hửng chụp hình bàn trà khoe với bạn, khen trà thơm này nọ, cảm ơn này nọ. Bạn bỗng hỏi “ bạn đã pha trà như thế nào vậy ? Cái ấm ấy bao nhiêu ml ? “. Tôi đáp tự tin “ thì pha như thông thường, 4g /110ml “. Bạn đã nhắn một loạt emo khóc rồi bảo “ huhu cái ấm too big for 4g ! “. Sau đó bạn nằn nì : “ hãy vì tôi mà thử 1 lần cách pha của dân xứ Nham Trà ! “.
Cách pha của dân xứ ấy như sau :
– 1g ứng với dung tích 12ml nước, nước sôi 100 độ, nghĩa là 4g còn lại trong gói đó tôi phải dùng cái ấm 50ml.
– Mỗi lần pha tuân thủ như sau :
* Lần 1 ngâm 3s rót ra, lần 2 ngâm 3 s rót ra thưởng thức mỗi lần riêng biệt không trộn chung.
* Lần 2 và 3 ngâm 5s và cũng thưởng thức mỗi nước pha riêng.
* Lần 4 và 5 ngâm 7s, thưởng thức tương tự.
Sau đó, ai còn tiếc thì pha tiếp uống tiếp. Tôi đã làm theo y hệt và trời ơi ngỡ ngàng ! Ấn tượng mạnh mẽ ghi dấu trọn đời đối với cái Ngon kinh khủng của Ngưu Lang Khanh mà khi tôi pha loãng tôi đã không thể nào cảm nhận đủ ! Bạn nào đang có Nham Trà ngon trong nhà, hãy thử một ấm xem sao nha !
Quý chúc anh chị em một cuối tuần vui vẻ và bình an !
Nguồn: SG 18-12-2020. Anna Huynh