TIN TỨC

Hướng đi mới cho vùng chè Suối Giàng

Friday, 11/06/2021

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái xác định: “Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch xanh, bản sắc, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện”. Định hướng phát triển này hứa hẹn trong 5 năm tới, chè Suối Giàng và những loại hình dịch vụ “ăn theo” danh tiếng chè Suối Giàng sẽ đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển.
Nằm ở phía Bắc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, xã Suối Giàng được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu mát mẻ của vùng núi cao trên 1.000m so với mực nước biển để trồng được loại cây có giá trị kinh tế cao, đó là chè Shan tuyết.

shan-tuyet-co-thu-bac-quang-ha-giang-1

98% dân số của xã là người Mông và từ hàng trăm năm nay, đồng bào đã biết trồng chè. Cây chè cổ thụ ở Suối Giàng có thể cao từ 2 – 5m, tán rộng 2 – 4m. Búp chè to, tôm có tuyết trắng, càng trắng thì hàm lượng các loại vi chất trong chè càng cao. Chè Shan tuyết Suối Giàng từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước do chất lượng sản phẩm rất cao với hương thơm, vị đượm, giàu dinh dưỡng.

Hiện tại, xã có trên 674 ha chè, trong đó có 193 ha chè cổ thụ. “70% số hộ dân trong xã trồng chè” – đồng chí Giàng A Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng nói. Bản thân nhà Bí thư Đảng ủy xã cũng có tới 3ha chè cổ thụ.

Giá thu mua chè búp tươi tại xã Suối Giàng đạt bình quân 20.000 đồng/kg; giá trị sản xuất đem lại cho người trồng chè khoảng gần 20 tỷ đồng/năm. Chè là nguồn thu nhập chủ yếu của các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn – Phó Chủ tịch UBND xã Mùa A Giàng cho biết.

Giá sản phẩm tùy theo loại, dao động từ 150.000 đến 650.000đ/kg, loại ngon khoảng 3 triệu đồng/kg –  HTX Chè Suối Giàng cho biết.

“Trà quý nhất phải được làm từ búp cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên các đỉnh núi cao, quanh năm bao phủ bởi mây và sương, thấm đẫm tinh hoa của đất và trời. Đó là loại trà thượng hạng, được trân trọng như một vị thuốc quý, chỉ để làm quà biếu thì có thể tới 50 triệu đồng/kg”, anh Đặng Thái Sơn – người am hiểu sâu về chè Suối Giàng khẳng định.

Hay ở chỗ, bây giờ các vườn chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân cây xù xì, mốc trắng không chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu sạch để chế biến sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng cao cấp mà còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách.

cay-che-to-suoi-giang

“Được vào thăm vườn, tận mắt thấy những cây chè trăm năm tuổi, gốc cây to hơn cả bắp đùi người trưởng thành; được trèo lên cây tự tay hái những búp chè tươi một tôm hai lá, nhấm nháp vị chát rồi tận hưởng dư vị ngọt hậu của chè, thật không có gì thú vị bằng” – chị Sằm Thị Ái Vân, du khách đến từ Bắc Kạn chia sẻ.

Đồng chí Mai Mộng Tuân – Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Chấn, nhiệm kỳ 2021 – 2026 xác định: “Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch xanh, bản sắc, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện”. Suối Giàng nằm trong danh sách các địa điểm phát triển dịch vụ du lịch xanh, bản sắc của địa phương.

Theo hướng này, mục tiêu của huyện là tập trung bảo vệ và phát triển cây chè Shan tuyết an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ; nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu chè Suối Giàng nhằm giúp các hộ trồng, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè làm giàu từ cây chè; gắn việc bảo vệ và phát triển vùng chè với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Ông Đặng Duy Hiển – Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn khẳng định, thực hiện định hướng trên, huyện sẽ bảo vệ tính nguyên vẹn của vùng chè cổ Suối Giàng để phục vụ cho các dự án du lịch sinh thái của tỉnh. Bên cạnh đó, địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho người trồng chè nắm được các kỹ thuật cơ bản để tác động đến cây chè, giúp bảo vệ cây chè, tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển của diện tích chè cổ thụ cũng như diện tích chè trồng mới.

Từ định hướng và giải pháp này của cấp ủy, chính quyền địa phương, chè Suối Giàng và những loại hình dịch vụ “ăn theo” danh tiếng chè Suối Giàng đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển trong thời gian tới.

khong-gian-tra-quan-dep-tai-ha-noi (1)

Bây giờ, lên Suối Giàng, du khách có thể tận hưởng dịch vụ ăn, nghỉ cao cấp ngay giữa những nương chè cổ thụ. Gần đây, đã có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng Không gian văn hóa Suối Giàng. Từ không gian văn hóa này, du khách được phóng tầm mắt ngắm nhìn những mái nhà trình tường của người Mông ẩn hiện giữa mây núi; được tận hưởng không gian nghỉ ngơi yên tĩnh giữa nương chè cổ thụ xanh bát ngát; được thưởng thức những món ăn đặc sản dân tộc, trong đó có những món mới như thịt cuốn lá chè nướng, lá chè non ăn sống kèm các loại rau thơm; được thưởng trà qua một quy trình pha rất cầu kỳ do chính những nghệ nhân đã kinh qua các lớp đào tạo về nghệ thuật pha trà thực hiện.

Bí thư Huyện ủy Mai Mộng Tuân cho biết thêm, tới đây, huyện sẽ tập trung bảo vệ nhãn hiệu, quảng bá và quản lý thương hiệu chè Suối Giàng trên thị trường trong và ngoài nước; đa dạng các hình thức kinh doanh, xúc tiến, quảng bá sản phẩm của địa phương.

Đồng thời khuyến khích người dân khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm, các hoạt động quảng bá, phát triển dịch vụ du lịch xanh, bản sắc.

Về phía người dân, nhất là đồng bào dân tộc Mông – chủ nhân của chè Shan tuyết Suối Giàng thì đang nỗ lực vừa giữ gìn các cây chè cổ thụ nhằm biến nương chè thành điểm đến không thể thiếu trong tuor du lịch, vừa đầu tư sửa chữa nhà cửa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững.

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay