TIN TỨC

Lý do bạn bị say trà

Monday, 26/03/2018

Khi nói đến “say xỉn” thì chúng ta thường hay liên tưởng đến những loại thức uống có cồn như bia rượu, nhưng khi quen biết nhiều người có sở thích uống trà thì có lúc bạn sẽ nghe đến cụm từ “say trà”. Say trà là là lúc chúng ta có cảm giác hưng phấn và thư giãn khi uống trà; nhưng đôi khi lại đi kèm với những phản ứng không hay như tim đập nhanh, run rẩy, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, thậm chí là nhức mỏi xương khớp.

nguoi-viet-thuong-tra7

Say trà là không phải là hiện tượng hiếm gặp và đã được ghi nhận trong văn thư cổ với tên gọi là “trà tuý”[茶醉], kể cả những người uống trà lâu năm cũng dễ mắc phải. Nếu uống trà mà gặp phải trường hợp mà gặp phải hiện tượng tê hay run tay chân, bụng thắt và buồn nôn, run rẩy thì thường là do chúng ta uống trà vào lúc đói hay uống quá nhiều trà. Khi đang đói bụng thì chính là lúc đường huyết trong cơ thể đang thấp, mà lại uống trà nữa thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết gây ra những hiện tượng nêu trên, nhất là ở những người có huyết áp thấp.Cho nên đối với nhiều nền văn hoá thì khi mời trà họ hay mời kèm theo đồ ngọt, vừa là để ăn kèm vừa một phần là chất đường trong đồ ngọt giúp tăng đường huyết. Đôi khi dù không đói nhưng uống quá nhiều trà cũng sẽ say.

nuoc-trong-pha-tra3

Cảm giác say trà mà chúng ta cũng dễ gặp phải đó chính là cảm giác thư giãn, hưng phấn, thậm chí là lâng lâng khi uống trà. Nhất là trà càng ngon càng cao cấp thì lại dễ gặp phải. Giải thích theo kiểu “kiếm hiệp” thì trà ngon là do trồng ở nơi phong thuỷ tốt, hấp thụ tinh khí của đất trời nên có chứa nhiều “trà khí”. Khi uống trà thì chúng ta hấp thụ tinh khí này vào cơ thể nên uống trà cũng là lúc cơ thể cảm thấy khoan khoái và thư giãn nhất. Còn giải thích theo kiểu khoa học hơn thì các loại trà cao cấp thường sẽ có nhiều “chất” hơn, mà những chất làm chúng ta bị say trà đó chính là: caffeine, theophylline, theobromine và L-theanine.

  • Caffeine: caffeine có thể nói là hoạt chất thần kinh được hấp thụ nhiều nhất thế giới thông qua các loại cà phê, trà và nước tăng lực. Trà không có chứa nhiều caffeine giống như cà phê nhưng lượng caffeine trong trà cũng không hề thấp, khoảng 30-50mg trong trà xanh và cao hơn một chút đối với trà ô long và trà đen. Caffeine giúp ức chế sự sản sinh của chất dẫn truyền thần kinh Adenosine, Adenosine thường được sản sinh nhiều vào cuối ngày tạo cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ. Do đó khi uống những loại thức uống có chứa nhiều caffeine chúng ta thường có cảm giác tỉnh táo và hưng phấn.
  • Theophylline và theobromine: đều là một dạng hợp chất hữu cơ thuộc nhóm Xanthines. Cả 2 chất này có tác dụng làm thư giãn cơ bắp, điều hoà nhịp tim và nhịp thở, giảm huyết áp, điều hòa máu lưu thông trong cơ thể nên khi uống trà chúng ta hay có cảm giác khoan khoái và thư giãn là vậy.
  • L-theanine: là một dạng amino acid tìm thấy nhiều ở cây trà. Phân tử của L-theanine rất nhỏ nên khi uống vào thì loại amino acid này sẽ hấp thụ trực tiếp vào não. L-theanine thúc đẩy não bộ tạo ra một dạng sóng não Alpha, loại sóng não này giúp chúng ta có cảm giác thư thái và tỉnh táo. Ngoài ra L-theanine còn thúc đẩy sự hình thành của GABA và dopamine. Cả hai đều là chất truyền dẫn thần kinh, GABA thì giúp giảm stress và căng thẳng còn dopamine tạo cảm giác “nghiện” hay “thèm muốn”.

Một trong những tác nhân làm nên trà ngon đó là thời gian mà cây trà “nghỉ ngơi”, thường thì để làm ra trà cao cấp thì người làm trà sẽ không hái trong vòng ít nhất một tháng để cây trà có thời gian để tích tụ đủ dưỡng chất. Do đó những loại trà ngon và cao cấp không chỉ gây nghiện ở bởi hương vị mà còn chứa nhiều dưỡng chất khiến chúng ta dễ “say”.

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay