Đọc lại lịch sử văn hóa trà Trung Hoa, từ Trà Kinh của Lục Vũ, người được coi là Trà Thánh cho đến tận các sách vở viết về trà của Trung Hoa (và cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Âu Mỹ v.v…) ngày nay, không có khái niệm “trà nô”. Do vậy, có thể tạm kết luận, từ “trà nô” là do người Việt sáng tạo ra.
Theo cuốn Văn minh Trà Việt của tác giả Trịnh Quang Dũng, dù có nhiều nội dung gây tranh cãi, ta có thể biết được, từ “trà nô” xuất phát từ ai và thời gian nào, đó là:
“Từ thế kỷ XVIII trở về sau, dòng Trà Cung đình Việt thanh cao và triết lý Trà Nô do Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782) khởi xướng. Một triết lý bình dị mà cao siêu, vừa giản đơn lại rất mực uyên thâm. Nó đánh dấu son và tạo dựng nét xuất thần độc đáo, đậm bản sắc riêng của dòng Trà Cung đình Việt nói riêng và nền văn minh Trà Việt nói chung. Ở ngôi vị chí tôn, trên tất thảy muôn người, Nhà Chúa phát hiện ra một « chân lý », nghe qua thật mộc mạc : Muốn thưởng thức được vị ngon của trà – hãy làm Nô bộc cho Trà ! Và triết lý Trà Nô đã ra đời.”
Câu hỏi đúng tiếp theo ở đây nên là: Vậy sau thời Chúa Trịnh Sâm, từ “trà nô” còn xuất hiện trong văn thơ của những người yêu trà nào khác không? Câu trả lời là: Không. Trong tất cả các văn thơ ngợi ca về trà của các tác giả sau này, bao gồm cả Cao Bá Quát và các tao nhân mặc khách khác, cho đến thời hiện đại là nhà văn Nguyễn Tuân, đều không nhắc đến từ “trà nô”. Như vậy, có thể tạm kết luận, từ “trà nô” chỉ phát sinh thời Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) và sau đó không còn được nhắc đến nữa.
Vợ của Chúa Trịnh Sâm là Đặng Thị Huệ. Trước khi trở thành vợ Chúa Trịnh Sâm, bà là thôn nữ hái chè. Có sắc đẹp nên được tuyển vào Phủ Chúa làm nô tỳ, sau được Chúa Trịnh Sâm để ý, yêu quý và trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Do vậy người đời gọi bà là Bà Chúa Chè để tưởng nhớ đến xuất thân của bà như cách dân gian nôm na thường gọi. Bên cạnh lý do xuất thân, bà cũng là người rất sành về trà và yêu thích trà sen. Mỗi lần Chúa Trịnh Sâm, cũng là bậc tài hoa, thưởng trà, đều vời bà thưởng thức cùng. Do vậy Bà Chúa Chè ở đây còn được nâng thêm một tầng ý nghĩa, đó là tôn vinh một phu nhân, là vợ Chúa, biết thưởng thức trà.
Như đã viết bên trên, Chúa Trịnh Sâm là bậc tài hoa văn nhã, tương tự vua Tống Huy Tông bên Trung Quốc, là bậc chí tôn nhưng lại lơ là chính sự, mải mê theo đuổi nghệ thuật như cầm kì thi họa và trà. Chúa Trịnh Sâm là người lãng mạn và rất yêu vợ. Từ “trà nô” chỉ phát sinh trong thời của ông, đã chỉ ra việc ông nuông chiều vợ như thế nào. Sử sách cũng có chép, mỗi lần bà Đặng Thị Huệ xin gì mà chưa được, bà lăn ra gào thét khóc lóc khiến Chúa rối lòng và buộc phải đồng ý. Như vậy, từ “trà nô” ở đây, do đích thân Chúa Trịnh Sâm nói ra, nên được hiểu theo nghĩa “ta là nô lệ của nàng” – Nàng ở đây là Bà Chúa Chè, Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Hiểu từ “trà nô” theo bối cảnh này, ta sẽ thấy, đây là những lời ân ái, nịnh nọt của một người chồng dành cho người vợ yêu của mình, chứ không liên quan gì đến việc thưởng thức trà cả.
Câu trả lời là Không. Đối với các danh sĩ, việc trở thành nô lệ với bất kì điều gì cũng là sự sỉ nhục chứ không riêng gì với trà. Ngay cả đối với Đức Khổng Tử, Lão Tử hay Đức Phật, mọi người chỉ có sùng kính, muốn trở thành học trò hoặc giáo đồ chứ chưa có ai muốn trở thành nô lệ của những người đó cả. Trong các thú vui khác, như hội họa, trồng hoa, ta hay bắt gặp các từ như “họa si”, “hoa si” – nghĩa là người si mê hội họa, si mê hoa cỏ. Trong văn hóa rượu thì có “tửu đồ”, “tửu cuồng” là “tín đồ của rượu”, là “người mê rượu đến phát cuồng” chứ không ai dùng từ “nô lệ” ở đây. Do vậy, từ “trà nô” theo nghĩa yêu trà đến mức tự nguyện trở thành “nô lệ của trà” là chưa đủ cơ sở. Người sau nếu chỉ dựa vào một từ “trà nô” – một câu nói ân ái Chúa Trịnh Sâm dành cho vợ – mà biến tướng ra thành mô hình “trà nương” (đi phục vụ pha trà cho khách) và nói Việt Nam có triết lý “trà nô” là không có cơ sở. Cho dù khách có quý đến mấy ghé nhà chơi, chủ nhà có khiêm tốn hạ mình đến mấy để tự tay pha trà quý mời khách, cũng không thể coi mình là “trà nô” được.
Kết luận: “Trà nô” có thể là một từ có thật đã từng xuất hiện tại Việt Nam dưới thời Chúa Trịnh Sâm nhưng nó không mang hàm ý về văn hóa trà hay phương thức thưởng thức trà của người Việt. Ta có thể tìm hiểu cho biết nhưng đừng biến tướng “trà nô” thành những ngữ nghĩa hay sử dụng vì ý đồ, mục đích khác.
Xuất phát của từ “trà nô” đã được chia sẻ bên trên. Thế còn “tửu tướng”?
Trong văn hóa rượu của Trung Hoa, có khái niệm “tửu lệnh” – đó là sẽ có một người cầm trịch, phát ra các lệnh/quy định về uống rượu để cuộc rượu thêm vui (tương tư như ta đổ xúc xắc có các mặt như “uống cạn ly”, “uống nửa ly”, “uống với người đối diện” như hiện tại). Việc uống rượu cần có người cầm trịch (còn gọi là “chủ xị”) thì mới vui và đảm bảo công bằng- mọi người uống đều nhau. Do đó có từ “tửu tướng”. Từ “tửu tướng” đối lập với từ “trà nô” nên được mọi người ghép lại để nói cho có vần điệu, chứ hai từ này không liên quan gì đến nhau. Trong khi từ “tửu tướng” thể hiện được hàm ý uống rượu cần có người cầm trịch, cần công bằng và vui thì từ “trà nô” không thể hiện được bất cứ điều gì tao nhã của nghệ thuật thưởng trà cả. Do vậy, người có hiểu biết, sẽ không sử dụng từ “trà nô”.
Click Ngay