TIN TỨC

Những bộ bàn trà cổ ở cố đô Huế

Monday, 06/03/2017

Từ xưa đến nay, nói đến uống trà là người ta thường nghĩ đến một thú vui thanh tao, đậm chất văn hoá của từng vùng , miền. Không nâng thành đạo như ở Nhật Bản gọi là “Trà đạo”, mà với nhiều đất nước, uống trà cũng được nâng lên thành một nghệ thuật.

ban-tra-co-o-hue

Quan tâm đến trà , người ta đâu chỉ nghĩ đến hương thơm, mùi vị của trà mà còn quan tâm đến những dụng cụ dùng để pha trà, còn gọi là trà cụ. Trong những bộ sưu tập đồ gốm sứ của nhiều nhà sưu tập ở Huế và ở tại các bảo tàng, những bộ đồ trà cũng có tiếng nói riêng của mình.

Trong hành trình tìm hiểu những bộ đồ trà cổ ở Huế, điểm dừng chân đầu tiên của chúng ta nên là Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế. Ở đây hiện còn lưu giữ nhiều bộ đồ trà rất có giá trị, với nhiều loại chất liệu và hình dạng rất phong phú. Đó là những bộ đồ trà vừa có giá trị văn hoá vừa có giá trị lịch sử.

Đầu tiên là bộ đồ trà bằng bạc gồm một chiếc bình cao và 6 chiếc ly hình dáng thon cao, không chân. Đây là món quà mừng tứ tuần đại khánh của Vua Khải Định. Trên thân bình và các chiếc ly đều có chạm khắc hình hoa lá rất đẹp mắt, nét chạm khắc tinh xảo và sống động. Cả bộ đồ trà đều được khắc cùng một dạng hoa văn hoạ tiết.

Bình trà đời vua Thiệu Trị (1841-1847).

Trong chiếc tủ kính lớn đặt phía bên trái cuối gian đầu của bảo tàng là 3 chiếc ấm rất đặc biệt. Chiếc ấm đầu tiên nhìn vào chúng ta có cảm giác như là chiếc ấm của người Việt hoặc người Trung Quốc làm nhưng thực tế chiếc ấm này được làm ở 1 lò gốm của nước Anh . Vua Minh Mạng đặt mua về và cho vẽ thêm hoa văn, viết thêm câu “ Minh Mạng thập lục niên tăng hoạ” (tức là vẽ thêm vào năm Minh Mạng thứ 16). Đây là chiếc ấm dùng để uống đông người gọi là ngưu ẩm hoặc quần ẩm. Ấm có hình dáng như chiếc bình tích mà các mệ ở Huế hay dùng để hãm chè xanh. Nhưng điều đặc biệt là chiếc quai của bình là quai ngang, trong khi ấm bình tích là quai thép xách ở phía trên.

Chiếc bình đặc biệt thứ hai là chiếc bình bằng sứ trắng. Đây là chiếc ấm trà Tây làm ở Pháp , có quai , trên ấm còn đề niên hiệu “Thiệu Trị nguyên niên phụng chế” (tức là chế theo yêu cầu của Vua Thiệu Trị). Chiếc bình đặc biệt thứ ba không còn nguyên vẹn vì chiếc vòi đã bị mất một phần nhưng những nét hoa văn vẽ trên bình màu sắc vẫn còn rực rỡ . Đây là chiếc ấm trà Tây làm theo phong cách đồ ngũ thái vẽ trên men , đề niên hiệu Tự Đức niên tạo. Cùng với ba chiếc bình quý trên, Bảo tàng còn có hai bộ đồ trà bằng đá trắng và đá đỏ. Đây cũng là quà mừng tứ tuần đại khánh cuả Vua Khải Định.

Đến thăm nhiều gia đình ở Huế chúng ta có thể bắt gặp nhiều bộ sưu tập đồ cổ được gia chủ cất giữ cẩn thận. Đó không chỉ là một món hàng quý giá về mặt cổ vật mà nhiều khi còn có ý nghĩa là vật gia bảo của gia đình. Tại nhà nghệ nhân dân gian nghề thêu Lê Văn Kinh ở phố Phan Đăng Lưu, hiện còn giữ chiếc ấm quý có tuổi đời trên 500 năm tuổi , dưới đáy ấm có khắc 3 chữ “Tuyên Đức Đường”. Đây là chiếc ấm được làm từ thời Vua Tuyên Đức (Trung Quốc). Chiếc ấm có hình quả quýt, chỉ bé bằng nắm tay nhưng ẩn chưá bao điều bí ẩn. Cụ Kinh đã đi tìm hiểu nhiều nhưng vẫn chưa nhận được sự giải đáp chắc chắn từ các nhà khoa học, đó là chiếc ấm bằng đất nhưng lại gắn đuợc chiếc quai bằng đồng một cách chắc chắn; tại sao khi rót nước sôi lên ấm thì nước bốc hơi rất nhanh … Có trong tay cổ vật quý nhưng mãi đến năm 1995, qua tạp chí Mỹ thuật, cụ Kinh mới biết đây là chiếc ấm có tuổi đời trên 500 năm.

Chiếc ấm Mạnh Thần của cụ Kinh.

Trong nhà cụ Kinh cũng còn chiếc ấm quý hiệu Mạnh Thần . Khi nói về trà cụ , theo cố nhà văn Nguyễn Tuân , trên đời có 3 loại ấm đáng để lưu danh “ Thứ nhất Thế Đức gan gà , thứ nhì Lưu Bội , thứ ba Mạnh Thần” . Ở dưới đáy chiếc ấm Mạnh Thần ở nhà cụ Kinh còn có câu thơ đuợc viết theo lối chữ thảo rồng bay phượng múa rất đẹp “ Hà hoa mãn trì đường” (nghĩa là hoa nở tràn cả bờ ao).

Và tại nhà của nhà thơ, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Xuân Hoa ở đường Thạch Hãn, những bộ đồ trà cổ của ông quả thật là quý hiếm. Là người yêu đồ cổ và cũng là một nhà nghiên cứu Huế nên ông hiểu rõ những hiện vật mà mình đang cất giữ, đặc biệt là những bộ đồ trà. Trong bộ sưu tập đồ trà của ông Nguyễn Xuân Hoa có khá nhiều phong cách như bộ Long ẩn (tức là hình rồng được vẽ chìm trong mây) đây là bộ đồ trà dùng cho quan lại hoặc tầng lớp nho sĩ ; cũng có bộ vẽ đề tài mai hạc với hai câu thơ chữ Nôm của Nguyễn Du :

“ Nghêu ngao vui thú yên hà

Mai là bạn cũ, hạc là người quen”

Đặc biệt trong những bộ đồ trà cổ ở nhà ông Nguyễn Xuân Hoa có 2 dĩa trà dưới đáy có chữ “Nhật” – đây là ký hiệu dùng để chỉ đồ dùng cho Vua, vậy cho nên hình rồng ở đây có 5 móng, được vẽ rõ nét, hiện toàn thân.

Người xưa thường chọn các đề tài lịch sử hoặc phong cảnh để vẽ trên bộ đồ trà. Ở đây, có những tích vẽ Khương Tử Nha; Gia Long tẩu quốc; đặc biệt là bộ đồ trà mãn hoạ. Mãn hoạ là các hình vẽ trên chén trà tạo thành một bức tranh. Tất cả đều rất chi tiết và tinh xảo từng nét vẽ. Cả chiếc chén uống trà là một tác phẩm nghệ thuật.

Cũng như bao cổ vật khác, những bộ đồ trà cổ cũng có tiếng nói riêng của mình trong thế giới cổ vật – đó là tiếng nói về lịch sử, về văn hoá, về các mối quan hệ trong cuộc sống. Tiếng nói văn hoá của những bộ đồ trà cổ chính là tiếng nói về một nghệ thuật uống trà của người Việt và cả những nét đẹp của nghệ thuật gốm sứ.

Theo TRT

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay