Nhờ điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp, thời gian qua, cây chè ở các tỉnh miền núi phía bắc phát triển khá nhanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, do đòi hỏi khắt khe của thị trường trong nước và ngoài nước, ngành chè đã bộc lộ nhiều hạn chế, kéo theo những khó khăn về sản xuất cũng như tiêu thụ.
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân nhiều địa phương. Hiện nay, ở nhiều nơi thuộc các tỉnh phía bắc đang đẩy mạnh phát triển chè an toàn theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua, cây chè shan tuyết đã trở thành cây công nghiệp chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ðến nay, toàn huyện có hơn 5.000 ha trồng chè, với sản lượng đạt khoảng 45 nghìn tấn/năm. Trong đó, đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu chè tập trung từ 20 đến 30 ha, cho năng suất từ 20 đến 25 tấn/ha, góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng cho các cơ sở chế biến trên địa bàn. Ðặc biệt, nguyên liệu chè đã đáp ứng việc đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Riêng giai đoạn 2012 – 2016, huyện Văn Chấn thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm chè búp tươi, như hình thành vùng sản xuất chè hơn 2.000 ha, với 143 tổ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung ở các xã: Nậm Búng, Gia Hội, Sơn Thịnh, Cát Thịnh, Ðồng Khê, Tân Thịnh… Ngoài ra, một số cơ sở chế biến chè trên địa bàn cũng hình thành được vùng chè sản xuất an toàn, nhằm tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao tại các xã Bình Thuận, Thượng Bằng La và Suối Giàng.
Cán bộ nông nghiệp xã Nậm Búng (Văn Chấn) Ðồng Thị Thanh cho biết, trước đây nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã chủ yếu trồng ngô, lúa nhưng hiệu quả kém do thiếu nước. Ðể khắc phục tình trạng trên, từ năm 2005, xã chuyển đổi những diện tích này sang trồng chè shan tuyết. Ðến nay, trên địa bàn đã có 355 ha trồng chè ở 10/10 thôn, trong đó có 325 ha đang cho thu hoạch. Qua thống kê, bình quân mỗi ha chè cho thu hoạch khoảng tám tấn, giá trị đạt khoảng 50 triệu đồng/ha. Nếu so với ngô, lúa, trồng chè cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thái, xã Nậm Búng, vừa hái chè, vừa phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, trên 2,7 ha đất nông nghiệp, gia đình tôi trồng ngô, lúa nhưng do thiếu nước, nên năng suất thấp, thu nhập không đáng kể. Nhận thấy đất nơi đây phù hợp cây chè, gia đình tôi và nhiều hộ khác được xã khuyến khích chuyển sang trồng chè. Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch hơn mười tấn chè búp tươi, đạt hơn 100 triệu đồng, đời sống gia đình được cải thiện nhiều”.
Tại tỉnh Lào Cai, cây chè được trồng từ những năm 70 thế kỷ trước, theo mô hình nông trường và hợp tác xã trên vùng đất dốc, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Toàn tỉnh có 5.150 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là 3.659 ha, chè chất lượng cao là 550 ha. Do tổng diện tích chè tuy lớn nhưng phân tán, lại do các hộ nông dân sở hữu, mỗi hộ có diện tích nhỏ, cho nên việc đánh số trên lô thửa để sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn. Ðể khắc phục những hạn chế trên và nâng cao giá trị kinh tế cây chè, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án “Xây dựng vùng sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP tại huyện Mường Khương”. Vùng chè VietGap Mường Khương rộng hơn 1.000 ha, với hơn hai nghìn hộ nông dân tham gia trồng và cung ứng nguyên liệu đầu vào cho Công ty TNHH một thành viên chè Thanh Bình bảo đảm chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu chè đến năm 2020 đạt 7.000 ha; năng suất chè kinh doanh đạt từ sáu đến tám tấn, các diện tích chè kinh doanh được quản lý theo một trong các tiêu chuẩn chất lượng (VietGap, Global Gap, chè hữu cơ); xây dựng và phát triển vùng chè ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.000 ha, phục vụ chế biến các sản phẩm chè chất lượng cao.
Kiểm tra chất lượng chè tại cánh đồng chè của Công ty CP chè Mỹ Lâm (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang).
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cây chè cũng được xác định là cây trồng hàng hóa chủ lực. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Công Nông cho biết, hiện cả tỉnh có khoảng 8.800 ha chè. Sở đã xây dựng kế hoạch “Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2020”. Ðể bảo đảm nguồn chè sạch cung ứng ra thị trường trong nước và ngoài nước, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh sẽ trồng thay thế khoảng 1.000 ha chè giống trung du già cỗi bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt. Ðồng thời, đẩy mạnh nhân rộng quy trình sản xuất chè hữu cơ, VietGAP. Ðến năm 2020, diện tích chè tập trung sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, chè hữu cơ đạt 2.390 ha; cung cấp cho thị trường khoảng 33,48 nghìn tấn nguyên liệu để chế biến chè đặc sản, chè sạch tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Thực tế đã chứng minh, sản phẩm chè sạch luôn được chào đón ở thị trường trong nước và ngoài nước. Ðiển hình, tại Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), giữa lúc người dân làm chè ở nhiều nơi phải chấp nhận với giá chè thấp, mức 3.500 đồng/kg, thì những người trồng chè theo quy trình sản xuất sạch, bán sản phẩm chè búp tươi cho công ty với giá từ 4.500 đồng đến 5.400 đồng/kg. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, với mô hình sản xuất mới, hộ nhận khoán tham gia bảy nội dung; trong đó có vệ sinh tán chè, bón phân, làm cỏ, bảo vệ duy trì cây bóng mát, đóng chè nguyên liệu vào bao, bốc lên xe. Việc thực hiện quy trình trên đã bảo đảm có nguồn chè sạch cung ứng cho công ty, đáp ứng nguyên liệu xuất khẩu.
Ðể có nguồn chè sạch, đạt tiêu chuẩn cung ứng ra thị trường, các công ty sản xuất chè cần tuân thủ các yêu cầu, quy trình hết sức nghiêm ngặt. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chè Thanh Bình (Lào Cai) Bùi Ðức Rạng cho biết, cơ quan chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã lấy 100 mẫu đất, 32 mẫu nước, 44 mẫu chè tươi và 44 mẫu chè khô thành phẩm tại bốn xã: Lùng Vai, Thanh Bình, Bản Lầu và Bản Xen để phân tích, bảo đảm các chỉ tiêu, yêu cầu đặt ra để quy hoạch vùng chè VietGAP. Ngoài ra, công ty xây dựng 60 bể thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại các đồi chè. Bên cạnh đó, tổ chức 39 lớp tập huấn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và cấp chứng chỉ cho hơn 2.000 hộ nông dân; cấp hơn 2.000 sổ “Nhật ký đồng ruộng” cho nông dân trong vùng dự án để ghi chép chi tiết các hoạt động sản xuất, phục vụ việc giám sát, kiểm tra nội bộ về chất lượng sản phẩm chè đầu vào. Ðến nay, Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp giấy chứng nhận cho 1.000 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại Lào Cai.
Ðể cây chè có thị trường tiêu thụ ổn định, khâu quyết định vẫn là chế biến sản phẩm. Tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có một nhà máy chế biến chè, một cơ sở chế biến và 14 cơ sở sản xuất của các hộ gia đình như Chè Duy Thịnh, với năng lực chế biến khoảng 20 tấn chè búp tươi/ngày, sản phẩm chế biến 100% là chè xanh. Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Nông Ích Chấn cho biết, dây chuyền, công nghệ chế biến chè nơi đây đều mới được đầu tư, cho sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá bán chè shan Suối Giàng tùy thuộc theo loại, dao động từ 250 nghìn đến 650 nghìn đồng/kg và cao nhất là hơn ba triệu đồng/kg, giá bán trung bình khoảng 300 nghìn đồng/kg. Ðây là nguồn thu nhập không hề nhỏ đối với các hộ làm nông nghiệp nói chung và trồng cây chè nói riêng của huyện Văn Chấn.
(Còn nữa)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch trong năm 2017, cả nước giữ ổn định diện tích chè là 132 nghìn ha, đưa năng suất lên 8,8 tấn/ha, sản lượng hơn một triệu tấn. Ðồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trồng thay thế các diện tích chè trung du trồng hạt sang các giống chè mới theo hướng chế biến chè xanh chất lượng cao.
NGỌC HÙNG THÀNH và HỒNG SƠN
Click Ngay