Thưởng Trà, Có người thích lọai trà Bắc pha thật đặc, uống vào chát sít cổ họng. Người khác lại chuộng trà Nam của Đà Lạt hay Bảo Lộc, lá to, cánh dày, được sao tẩm với các lọai hoa như hoa lài, hoa sen, hoa ngâu… Lọai trà này không chát, không đắng mà có khi lại hơi ngọt. Khi pha, nước rất đẹp và được nước. Pha đến lần thứ 3, thứ 4, màu nước vẫn sánh.
Cũng là trà Bắc nhưng nhiều người thích để “mộc”, kẻ lại chuộng lọai ướp hương v.v… Ngày xưa, các xứ sở trà có lọai trà “móc câu” nổi tiếng với “một tôm hai lá” : Người ta chỉ hái búp đầu (tôm) và 2 lá gần kề. Khi sao, lá trà quăn lại thành hình móc câu. Lọai trà này thơm mùi đặc trưng, đẹp nước. Khi uống, mới đầu thấy chát nhưng vị ngọt đọng trong cổ rất lâu. Chỉ một chén trà đủ làm cả người bừng bừng sảng khóai.
Lại có lọai trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi của vùng Hà Giang, có nơi gọi là trà Tuyết san. Tuy vị đắng, chát và đậm nhưng khi uống vào thì thấy tỉnh táo và khoan khóai hẳn lên nên được coi là trà quí. Song, hiện nay rất hiếm lọai trà này. Chỉ thỉnh thỏang chủ nhà làm một ít để dành riêng uống hay biếu bạn bè. Phần nhiều trên thị trường chỉ có “trà móc câu”, trà Tuyết san giả.
Khi có trà ngon, phải biết cách pha thì mới được nước ngon. Làm thế nào để được nước trà ngon? Theo những người sành trà, cần phải chú ý các yếu tố sau:
a. Ấm và chén:
Có rất nhiều loại ấm để pha trà nhưng dùng ấm sành hoặc ấm sứ là tốt nhất vì giữ được nhiệt lâu, những người cầu kỳ còn phải tìm cho mình chiếc ấm Tử sa được các nghệ nhân Nghi Hưng – Trung Quốc chế tác. Hiện nay, tại các quán trà, người ta dùng nhiều lọai ấm với những tên gọi và phân lọai cầu kỳ như thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần. Nhiều quán còn quy định màu sắc cho ấm pha trà. Ví dụ như muốn thưởng thức trà thật ngon thì màu ấm phải là màu gan gà, chu sa… Hình dáng ấm pha trà có những kiểu chính là: trái lê, trái cau, trái hồng, quỷ quýt… Các loại chén uống trà chủ yếu có 2 lọai : chén Tống (chén tướng, chiếc chén lớn nhất dùng để san trà trước khi uống) và chén Quân (chén để uống). Phú quí sinh lễ nghĩa là vậy.
Các cụ ở nông thôn thì vẫn chuộng ấm quả quýt và chén hạt mít, hay còn gọi là chén mắt trâu. Hoặc ở thành phố, có khi người ta pha trà vào các bình nhựa hoặc bình inôc có sẵn một cái giỏ lọc để chứa bã trà, hoặc người ta thích dùng lọai trà đá, uống trong những cái ly cối to đùng. Đơn giản vậy mà cũng đâu có kém ngon.
b. Nước dùng để pha trà:
Theo Trà Kinh nước phải được gạn từ Suối, hoặc Sông, những nơi tĩnh mịch xa người sống nhưng đấy là trà tàu. Thế còn ở Việt Nam thì tốt nhất phải là nước mưa. Nước mưa hứng ngay giữa trời là sạch nhất. Có thể dùng nước giếng mà là giếng đá ong càng tốt. Ngày xưa, những nhà giàu có thường cho người đi thu gom những hạt sương đọng trên tàu lá sen. Đó được coi là thứ nước đặc biệt, tinh khiết. Ở thành phố thì phải dùng nước máy. Nước máy phải để một thời gian cho bay hết mùi hoá chất khử trùng. Có thể dùng nước tinh khiết hoặc nước qua các bình lọc nước. Khi đun nước dùng bếp than hoặc bếp ga để tránh các mùi lạ thấm vào nước như mùi khói, mùi dầu hỏa… Trà thơm quí đến mấy mà nước lẫn mùi lạ thì không thể ngon được.
c. Pha trà:
Trước khi pha phải rót ít nước sôi tráng ấm, đổ đi rồi mới cho trà vào. Dùng thìa tre hoặc thìa gỗ để múc trà, không nên dùng thìa kim lọai. Lần đầu rót một ít nước sôi tráng qua lớp trà rồi đổ đi, coi như “rửa” trà. Sau đó rót thêm nước sôi ngập lớp trà, để vài phút cho ngấm. Đến lần thứ 3 thì mới rót đầy ấm. Sau đó để chừng 2-3 phút thì có thể thưởng thức.
Lại nữa, không phải trà nào cũng dùng nước thật sôi. Các cụ sành trà rất khắt khe với nhiệt độ nước. Ví dụ lọai trà mộc thì nước sủi tăm là được (khỏang 80 độ C), nước pha trà hương chỉ cần sôi lăn tăn. Các lọai trà dược liệu cũng chỉ cần nước gần sôi… Không nên dùng nước sôi sùng sục để chế vào trà vì có thể làm “cháy”, khiến trà trở nên chát.
d. Rót trà:
Nên tính xem bao nhiêu người uống thì ước lượng số nước sôi cần rót. Nhưng nếu số người uống ít hơn thì không cần rót đầy ấm. Muốn uống nữa, rót tiếp nước sôi. Làm như vậy để khỏi hỏng trà, không mất đi hương vị, lại tránh bị nồng.
Chú ý khi rót trà, chỉ rót mỗi chén một ít. Khi xong lượt đầu sẽ rót tiếp lượt hai. Như vậy sẽ không có chén nào nước bị loãng quá hoặc đặc quá. Cả cách rót trà cũng là một nghệ thuật cần phải học. Lúc đầu, miệng ấm kề sát với miệng chén, mấy giây sau, từ từ đưa ấm lên cao hơn, vừa đủ để có tiếng nước rót róc rách mà không bắn ra ngòai. Rót sao cho tất cả các mức nước trong từng chén đều ngang nhau. Từng thao tác phải thuần thục, uyển chuyển và duyên dáng. Phong thái thảnh thơi, điềm đạm… Đó chính là nghệ thuật rót trà…
Việt Bắc
Click Ngay