Từ trước tới nay mọi người đã nói nhiều về chất đất Đại Hồng Bào huyền thoại từ Nghi Hưng. Một số người nói rằng nó hiếm, những người khác cho rằng nó đã tuyệt chủng, người thì nói nó vẫn còn và người thì cho rằng ấm Đại Hồng Bào là giả. Vậy đâu là sự thật?
Để người chơi và người sưu tầm ấm tử sa có cái nhìn chính xác hơn về loại đất huyền thoại này, hôm nay tôi xin trích dẫn một nguồn tài liệu và chút kiến thức ít ỏi của bản thân để anh em tham khảo.
Khi mọi người nói rằng một ấm trà được làm từ đất Đại Hồng Bào, họ có thể đang đề cập đến một trong ba loại đất sau; mà hai trong số đó là quặng có thật ngoài tự nhiên và một trong số đó là Nhân Tạo:
Chu Ni Đại Hồng Bào là đất Đại Hồng Bào đích thực có trong tự nhiên hiện nay. Chu Ni Đại Hồng Bào là một loại quặng Chu Ni đặc biệt. Bản thân quặng thô Chu Ni Đại Hồng Bào khi được khai thác, được tìm thấy trong lớp quặng Chu Ni. Quặng Đại Hồng Bào thô được tìm thấy dưới dạng những mảnh đá tròn có đường kính từ 30-80mm. Tỷ lệ quặng Đại Hồng Bào so với quặng Chu Ni thông thường được cho là 1/100, hoặc 1kg quặng Chu Ni Đại Hồng Bào cho mỗi 100kg quặng Chu Ni. Quặng Chu Ni Đại Hồng Bào có màu nâu vàng tương tự như quặng Chu Ni thông thường. Nhưng sau khi nung, Chu Ni Đại Hồng Bào trở thành màu đỏ cam đậm. Chu Ni Đại Hồng Bào có lượng Oxit Sắt Fe2O3 nhiều hơn so với Chu Ni thông thường tạo cho nó một màu đỏ cam đậm hơn. Nó cũng chứa tỷ lệ Oxit Nhôm Al2O3 thấp hơn so với Chu Ni thông thường, khiến cho việc nung mà không bị nứt vỡ sẽ khó khăn hơn nhiều. Phạm vi nhiệt độ để nung Chu Ni Đại Hồng Bào thành công là rất hẹp. Nó cũng có tỷ lệ co ngót cao hơn Chu Ni thông thường, đôi khi tới 40% hoặc thấp hơn. Hình ảnh quặng và ấm Chu Ni Đại Hồng Bào so với quặng và ấm Chu Ni thông thường mời các bạn xem ảnh bên dưới.
Một loại đất khác được gọi là Đại Hồng Bào và nó hiếm đến mức hiện nay chỉ có thể được nhìn thấy trong các Viện Bảo Tàng trong đó bao gồm cả Bảo Tàng Tử Sa Nghi Hưng, là Hoàng Long Sơn Đại Hồng Ni. Đất này có hình dạng và đặc điểm khác với Chu Ni. Nó xuất hiện dưới dạng quặng đỏ sẫm mà sau khi nung sẽ thành màu đỏ thâm(đỏ tối). Hoàng Long Sơn Đại Hồng Ni xốp hơn so với Chu Ni. Loại này vô cùng quý hiếm và theo cá nhân tôi biết thì giá thành của nó rất rất cao. Hình ảnh quặng và ấm Hoàng Long Sơn Đại Hồng Ni mời các bạn xem ảnh bên dưới.
Đất Đại Hồng Bào đỏ đậm được gọi là Hoàng Long Sơn Đại Hồng Ni rất hiếm. Vậy tại sao có rất nhiều ấm trà màu đỏ được cho là làm từ đất Đại Hồng Bào trên thị trường? Trong nhiều trường hợp, những người thợ gốm không trung thực sẽ sử dụng đất Tử Sa loại thường hoặc hỗn hợp các loại đất sét khác nhau và/hoặc các loại đất Tử Sa khác, rồi thêm bột Oxit Sắt hoặc Chất Tạo Màu để làm cho đất có màu đỏ rất đậm. Những ấm trà này không phải là quặng tự nhiên(tử sa nguyên chất) và nó có màu đỏ tươi(đỏ sáng) hoặc màu đỏ cờ khác với màu đỏ thâm(đỏ tối) của đất Hoàng Long Sơn Đại Hồng Ni. Thêm nữa loại đất này rất trơ, rót nước sôi vào da ấm bên ngoài không ửng lên, không mướt mát và pha trà không ngon. Các bạn nên thận trọng khi mua những ấm trà loại này vì hỗn hợp đất và hóa chất không được biết đến và không được kiểm soát.
Ngoài ra, chúng ta vẫn nghe thấy câu chuyện đâu đó về một loại đất Đại Hồng Bào do một tỷ phú người Đài Loan làm ra bằng cách sử dụng đất Chu Ni loại tốt, sau đó trộn thêm Oxit Sắt để sau khi nung sẽ có màu đỏ của đất Đại Hồng Bào. Về cách làm khá giống với loại Đại Hồng Bào Giả(tạm gọi) ở trên. Tuy nhiên, các bạn phải hết sức thận trọng vì loại này chưa thấy ai sở hữu và cũng không có Viện Bảo Tàng nào đang trưng bày ấm loại này. Hình ảnh ấm Đại Hồng Bào Giả(nhân tạo) đang bán trên thị trường mời các bạn xem hình bên dưới.
Đại Hồng Bào (Hoàng Long Sơn Đại Hồng Ni) là cực kỳ hiếm và đã tuyệt chủng. Chu Ni Đại Hồng Bào thì vẫn có và số lượng quặng khai thác đang giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên, nó vẫn hiếm khi phải được nhặt và chọn bằng tay từ lượng lớn quặng Chu Ni(chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số lượng đất tử sa khai thác mỗi năm).
Thật không may, hầu hết các ấm trà được bán dưới dạng Đại Hồng Bào trên thị trường là các loại đất hỗn hợp, có thể sử dụng Oxit Sắt và các loại đất sét và/hoặc Hóa Chất khác. Một cách để phân biệt đất Chu Ni Đại Hồng Bào với đất Đại Hồng Bào Giả là tông màu của đất. Chu Ni Đại Hồng Bào trông giống như đất Chu Ni, với kết cấu và chất lượng tương tự như nhau nhưng với tông màu đỏ cam đậm. Chu Ni Đại Hồng Bào vẫn phải có tông màu cam giống như Chu Ni. Nếu không thấy có tông màu cam thì các bạn nên thận trọng. Đại Hồng Bào Giả thường cố gắng tái tạo màu đỏ sẫm(đỏ tối) của Hoàng Long Sơn Đại Hồng Ni. Mặc dù vậy ta thường bắt gặp nó có màu đỏ sáng(đỏ tươi) hơn đất Đại Hồng Bào Thật hoặc màu đỏ cờ.
Trên đây là một phần kiến thức ít ỏi của bản thân và từ nguồn tài liệu sưu tầm được. Hy vọng nó có ích cho các bạn có thú chơi và sưu tầm ấm tử sa giống như tôi.
Trân trọng!
TD.
Click Ngay