Tốt nghiệp cấp ba xong, tôi khăn gói xa nhà, tìm giấc mộng giàu sang chốn kinh kỳ phồn hoa. Có lẽ, hành trang nặng nhất là nỗi nhớ, nhớ cô gái mong manh tựa sương mai còn chưa kịp nói lời hẹn ước, nhớ mảnh vườn đầy hoa lá mà tôi cùng cha vun trồng bao năm tháng.
Nhớ mẹ già còm cõi những tháng ngày nắng gió với hơi lạnh những lúc sương giăng con ngõ nhỏ, bà vẫn lầm lũi đi về mỗi phiên chợ sáng mai. những nỗi niềm đó thúc giục tôi mang theo một thói quen của cha, UỐNG TRÀ.
Trà đặc = tanin cao => lợi bất cập hại:
- Kết tủa vi lượng (sắt, can-xi, kẽm,…) khiến cơ thể khó hấp thụ.
- Tê liệt thần kinh vị giác, khiến khả năng nhận biết vị kém đi.
- Kích thích nhu động ruột gây cồn cào khi đói.
- Kích thích tăng tiết a-xit dạ dày, ko tốt cho dạ dày.
- Tạo liên kết bền vững với protein, gây khó tiêu (tanin thường được dùng trong nghành thuộc da vì vậy).
Từ một cậu trai choai, tôi uống trà cùng anh trai mình hàng ngày, hình ảnh cha tôi trầm tư bên chén trà cùng làn khói lam mờ ảo mỗi trước buổi bình minh sau một tiếng riết dài dòn tan mái hiên nhà cũng theo tôi bên chén trà chốn kinh kỳ huyên náo.
Trà thì không lấy đâu ra trà tốt, trên chục nghìn một lạng đã là mỹ vị cao lương ! Cha tôi uống trà đặc, các cụ thường bảo “trà đặc cắm tăm”, người uống trà như thế được coi như một trình độ cao siêu lắm chứ chẳng vừa. Tôi cũng theo đó mà uống, một ấm trà pha ra thì nắp ấm thành thừa, bởi lẽ, bã trà đã vươn tràn miệng ấm như cố thoát ra khỏi sự o bế chật chội nơi lòng ấm.
Bạn bè tôi nếm trà tôi uống như nếm nước mắm, mặt mày nhăn nhó, có đứa nếm hơi quá, bịt miệng chạy với cái cổ họng cứ ựa lên từng cơn. Tôi lấy thế làm khoái chí và bắt đầu nghiện cái thứ nước chát xít, đặc quánh nơi cổ họng cả buổi sau mỗi tuần trà hai nước đã nhạt toẹt, mỗi sáng, mỗi tối không được dăm ba chén coi như cơ thể không phải của mình.
Từ khi lăn lộn trên những nương trà, cơ hội mở mang hiểu biết, cơ hội tiếp cận phong phú các loại trà cũng theo đó mà dày dần lên, tôi bắt đầu nhận ra, mình có sự thiên kiến, không phải loại trà vẫn uống hàng ngày, không phải độ đặc cắm tăm, ắt không thấy gì làm khoái trá, sự thiên lệch là quá rõ ràng !
Hóa ra, sau những nghiên cứu, trà đặc không phải niềm tự hào như tôi vẫn nghĩ, thậm chí chẳng mấy hay ho, nó giống như sự bám dính người người, nó phủ định mọi thứ mới mẻ chung quanh, tôi bắt đầu sửa, uống nhạt dần đi. Bây giờ, thi thoảng tôi vẫn bị trà khách kêu pha trà nhạt.
Thưa quý vị, đến giờ phút này, tôi tự tin đưa ra lời khuyên cho những trà khách có thói quen uống trà đặc : “HÃY UỐNG NHẠT ĐI”. Trà đặc với hàm lượng tanin cao thực sự mang lại những bất lợi cho cơ thể trong việc hấp thụ vi lượng ở mọi lứa tuổi.
Đặc biệt là phụ nữ sau khi đã chia sẻ một phần xương máu để nhào nặn ra những đứa con. Hơn nữa, nó cũng khiến ta lụy vào nó, nó khiến vị giác mất đi sự công bằng, không còn có thể đánh giá khách quan khi có được một thức trà mới trên tay. “UỐNG TRÀ NÀY KHÔNG QUEN” đấy là câu nói tôi thường được nghe, nó như một minh chứng cho một trong những bất lợi của việc uống trà đặc vậy.
Xưa kia, khi mỗi gia đình còn phải tự tìm nguồn nước sinh hoạt, nước mưa là tốt nhất, nhưng thường không được đủ đầy, các nguồn nước dồi dào thì có giếng khơi, giếng khoan. Nhưng bẩn sạch ra sao thì thật khó mà biết, thế nên dân gian ta có kinh nghiệm lấy trà đặc pha với nguồn nước mới, để sau mấy chục phút, nếu thấy nước đen màu hay đóng váng bề mặt thì đấy là nguồn nước không nên dùng.
Khoa học chỉ ra mạch lạc hiện tượng đó, là do sự kết tủa kim loại và canxi có trong nước với hàm lượng cao mà sinh ra những biểu hiện quan sát được bằng mắt như vậy. Tanin dư thừa trong cơ thể cũng có hiện tượng tương tác tương tự, chúng kết tủa vi lượng và canxi, ngăn cản quá trình hấp thụ của cơ thể. bởi thế, hãy uống trà “nhạt” nhé quý vị, quý vị để ý, sau một tuần trà mà khoang miệng không bị khô chát quá một giờ đồng hồ thì coi như là được.
Vậy hãy uống “nhạt” để trà thành một thú vui !
Nguồn: Thưởng Trà
Click Ngay