TIN TỨC

Thập đại danh trà Việt

Saturday, 25/03/2017

Chúng ta đã từng nghe đến thập đại danh trà Trung Hoa, nhưng chưa có ai thống kê Thập đại danh trà Việt. Bởi vì nhiều quý vị trà hữu quá lơ là sản phẩm trà Việt ta. Riêng Chè Duy Thịnh vẫn mong muốn quý trà hữu luôn ủng hộ trà Việt, nâng tầm trà Việt, thay vì quá nhiều quảng bá và bán hàng cho các sản phẩm trà Trung Hoa. Trà của chúng ta được đánh giá chất lượng, mộc mạc, không có can thiệp công nghiệp và đặc biệt sạch. Vậy hãy cũng Chè Duy Thịnh liệt kê 10 dòng trà đầu bảng của Việt Nam . Và hãy cùng chúng tôi quảng bá những dòng trà này.

san-xuat-che-suoi-giang-tieu-chua-viet-grap (2)

1.Trà shan tuyết cổ thụ

Được dùng trong các buổi tiếp đãi các vị nguyên thủ quốc gia, shan tuyết là thượng phẩm trà quý hiếm bậc nhất. Cái tên shan tuyết ( nghĩa là “ tuyết trên núi”) bắt nguồn từ sắc trắng tinh khôi như tuyết của lớp lông mao dày trên búp non.

Nước ta chỉ mới phát hiện được một số vùng cao tại Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La… và một số nơi khác phân bố rải rác loại trà này. Đây là loại trà mọc hoang, chỉ sống trên núi cao thuộc phạm vi ảnh hưởng của các dãy Hoàng Liên Sơn hay Tây Côn Lĩnh. Cả nước hiện nay chỉ còn khoảng hơn 80 ngàn cây trà. Số lượng trà cổ thụ ngày càng ít đi do già cỗi và sự khai thác quá mức của con người.

Thưởng thức trà shan tuyết ví như ăn mía từ ngọn, qua mỗi lần nước, vị ngọt cứ đậm dần trong cổ. Sau 7 chén trà, chỉ thấy gió thổi vù vù như có cánh bay, tâm hồn lâng lâng bay bổng trên mây, miệng không ngớt ngân nga trà ca Lô Đồng mà đôi tay chừng chưa muốn buông chén, …

tra-non-tom-tan-cuong-thai-nguyen-8

2.Trà tân cương Thái Nguyên

Cũng giống như những cô gái Tuyên Quang sắc nước hương trời, trà Tân Cương Thái Nguyên đã làm say mê biết bao nhiêu người mỗi lần có dịp thưởng thức nó.

“Hương thơm, sắc nước xanh màu

Nhấp môi đắng chát, ngọt sâu hậu bùi…”

Trà Thái Nguyên là thương hiệu trà phổ biến và nức tiếng là đệ nhất danh trà Việt Nam. Trà Thái mang hương vị đặc biệt, độc đáo nhất không thể lẫn và tìm thấy ở bất kỳ loại trà nào trên thế giới. Hãy một lần thưởng trà Thái và thả hồn theo mây gió lang thang để cảm nhận không gian khoáng đạt của một vùng chè xanh bát ngát, đồi núi chập chùng, líu lo chim hót, róc rách suối chảy và tiếng cá tầm nhảy nhót tung tăng xao động mặt hồ núi Cốc.

tra-mam-hao-duy-thinh

3.Trà Mạn Hảo

Trà Mạn Hảo có lẽ là danh trà gây ra nhiều cuộc tranh cãi nhất vì nó được coi như “biểu tượng thất truyền”, tiêu biểu cho cả một nền văn hóa dân tộc, thậm chí liên quan tới địa lý Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu cũng như giới chơi trà vẫn tiếc nuối khi danh trà Mạn Hảo lại trở thành thương hiệu của …Trung Quốc. Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, danh trà này từng được coi là quốc hồn Việt Nam, biểu hiện rõ nhất qua câu ca dao:

Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thúy Kiều.

Hiện nay, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã đầu tư tiền của và tâm huyết nhằm khôi phục danh tiếng của trà Mạn Hảo xưa nhưng số lượng chưa nhiều và chỉ tập trung ngoài phía bắc. Trà Mạn Hảo có ngoại hình khá giống danh trà Phổ Nhĩ Vân Nam nhưng được tuyển chọn từ 1 tôm 2 lá trà shan tuyết rất chất lượng, cho hương vị của trà cổ thụ lên men, bớt chát mà ngọt thanh, rất dễ chịu.

4.Trà Bạng

Trà Bạng gắn liền với đồng bào người Mường, Thái và là biểu trưng cho cả xứ chè Thanh Hóa. Nơi đây từng có nhiều vùng chè cổ được ghi vào các tác phẩm dư địa chí, là đặc sản tiến vua ngày xưa. Tuy nhiên, ngày nay dấu vết không còn nhiều, phổ biến nhất là các đồi chè ở tây bắc tỉnh. Điều đặc biệt nhất của chè Bạng là cách chế biến độc đáo: nguyên liệu được chọn từ lá chè bánh tẻ, phơi khô rồi giã nát và đun lên uống.

Do chất trà đậm và giữ nguyên được hương vị của chè tươi nên uống rất dễ bị…say. Nhấm nháp trà với một chút bột chè lam (một thứ bánh đặc sản của xứ Thanh) ngọt lành đúng là “phê” không gì bằng.

che-dam-nghe-an

5.Trà đâm Nghệ An

Chắc hẳn mọi người ai cũng từng nghe hình ảnh ví von “bát chè cắm tăm” để nói đến độ đậm đặc của chè. Người dân xứ Nghệ sớm sớm trước khi ra đồng làm việc uống một bài nước chè tươi, vài củ khoai lang luộc, thế là đủ năng lượng cho cả ngày làm việc.

Đó là những lúc bận rộn. Còn khi nông nhàn, có thời gian rảnh rỗi, họ không vội vã mà cầu kỳ hơn, chế biến nước chè đâm thưởng thức.

Cách làm chè đâm khá thú vị (và vì thú vị nên xin hẹn bài khác chi tiết hơn) tốn công sức nhưng thật xứng đáng để chờ đợi. Hãy tưởng tượng, giữa cái trưa hè nắng chang chang với từng cơn gió Lào thổi hơi nóng như thiêu đốt, dưới gốc cây đa to, ta cầm 1 bát nước chè đâm xanh ngắt, thơm thơm, mát mát và ngọt ngào hậu vị chỉ nhìn đã thèm, và chậm dãi thưởng thức thì thú biết chừng nào.

6.Trà tước thiệt

Theo sách “Văn minh Trà Việt” của nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng, trà tước thiệt (lưỡi sẻ) ở khu vực châu Sa Bôi (nay là Cam Lộ-Quảng Trị) cũng theo ông, rất có thể trà tước thiệt khu vực này nổi danh ít nhất suốt thế kỷ 14 đến tận thế kỷ 17.

Thực ra “tước thiệt” là danh từ chung trong giới trà chỉ búp chè đã hé ở cấp thứ 3 như hình lưỡi chim sẻ. Khu vực Quảng Trị xưa kia vốn là vùng biên cương, nhiều thổ sản, đã từng có nhiều chè hoang hoặc được người dân trồng. Hiện nay dấu tích về các vùng chè cổ vẫn còn lưu lại khắp vùng. Rất có thể, văn hóa trà xứ Huế cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi nơi này.

7.Cam khổ ngự trà

“Thương em vất vả với cái bánh mõ bột mì

Nhưng em đừng nghĩ anh chỉ vì này nọ kia.

Anh ”drìa” đến huyện Hoài Ân

Kiếm trà ”Cam Khổ” chia ngọt bùi cùng em”

(Ca dao Bình Định)

Bình Định là vùng đất địa linh nhân kiệt, không chỉ là nơi sinh ra các văn nhân, võ tướng mà còn nổi tiếng với nhiều thắng cảnh. Trong tác phẩm “Non nước Bình Định”, nhà văn hóa Quách Tấn đã giới thiệu một loại trà có tên: Cam Khổ Ngự Trà.

“Cam” là ngọt, “khổ” là đắng. Vị của trà thoạt đầu đắng ngắt, sau ngọt dần. Ở Bình Định có nhiều nơi trồng chè nhưng nổi tiếng nhất là ở Hoài Nhơn. Tôi có dịp thử trà và hỏi qua cách chế biến trà cam khổ hóa ra rất đơn giản. Nhưng hương vị trà đúng là rất đặc biệt, sắc đậm hơn trà Bắc, hương thô mộc, vị đậm rồi ngọt dần. Phải chăng “cam-khổ” không chỉ là vị trà mà chính là hương vị của tình người Bình Định?

8.Trà Phú Hội

“Nước Mạch Bà-Trà Phú Hội” là câu thành ngữ của người dân Nhơn Trạch (Đồng Nai) chỉ hai sản vật nức danh nơi đây. So sánh thì hơi khập khiễng nhưng nghe câu ca trên, tôi lại liên tưởng tới Hàng Châu Song Tuyệt: “Suối Hổ Bào- trà Long Tỉnh”.

Dòng nước thiên nhiên Mạch Bà ngày đêm chảy không ngừng tưới tắm cho các đồn điền trà Phú Hội. Các gốc trà ở đây có lịch sử hàng trăm năm, một thời đã bị thất truyền. Phải đến thời gian gần đây, trà Phú Hội mới bắt đầu quay trở lại thị trường. Nhiều vị trà nhân say mê nghiên cứu đã thử pha trà Phú Hội với nước Mạch Bà và khen tấm tắc, nhưng riêng tôi dùng trà Phú Hội ướp hoa cũng thấy khá thú vị!

tra-o-long-sua-olong-dai-loan

9.Trà Ô Long

Trà Ô long bắt nguồn từ giống trà hương Phước Kiến (Trung Quốc đại lục), phát triển ở Đài Loan và hiện nay rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là ở Lâm Đồng mà nổi danh nhất là Bảo Lộc và Cầu Đất với các giống trà phổ biến là Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc ( và 1 số loại nữa như Ô long Trắng, Bát Tiên… nhưng ít phổ biến.)

Khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp cho cây trà phát triển khiến cho chính những người Đài khi thưởng thức trà Ô long Việt cũng phải say sưa ngây ngất.

Trà Kim Tuyên, Thuý Ngọc có sắc xanh đặc trưng, hương như hoa ngọc lan buổi sớm, vị chát nhẹ nhưng dư âm ngọt thanh như lúa trổ đòng. Nhấp một hơi thấy trong lòng nhẹ bẫng, phơi phới sắc xuân.

Ô long Tứ Quý sắc như nắng mới mùa thu, hương trà thơm như mùi mật ong rừng chàm, vị trà đậm so với các loại Ô long khác, chát nơi đầu lưỡi, hồi lâu ngọt thanh rồi đậm dần tựa đường caramen mới thắng.

3 loại trà Kim Tuyên, Thuý Ngọc, Tứ Quý mỗi thứ một vẻ đẹp khác nhau nhưng tự chung lại đều là loại trà thượng phẩm trong các loại danh trà.

10.Trà Nhất Thiên

Trong nền thơ văn hiện đại Việt Nam, Tản Đà (người của hai thế kỷ) và sau này là Nguyễn Tuân, có thể nói là “ngông” nhất. Nhưng cái ngông nghênh, ngạo đời của người nghệ sĩ bắt nguồn từ tài hoa nghệ thuật, tâm hồn phóng khoáng và tình yêu quê hương đất nước đến tha thiết. Bởi vậy nên khi thi sĩ Tản Đà viết về thú ăn chơi Nam Bắc có nhắc tới “chén trà Nhất Thiên”, tôi cứ băn khoăn mãi. Tìm hiểu thêm mới biết trà Nhất Thiên thực chất là trà Long Tỉnh bán tại tiệm trà Nhất Thiên của người Hoa Chợ Lớn. Long Tỉnh trà là biểu tượng đứng đầu trong thập đại danh trà Trung Quốc và theo chân Hoa kiều di cư tới nước ta. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, cộng đồng người Hoa đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể tách dời của dân tộc Việt Nam. Vì thế, trà Nhất Thiên Long Tỉnh cũng nên được xếp vào danh sách này.

THÔNG TIN THÊM:

Hiện nay, ở phía Bắc, bà con nông dân đã nhập giống trà Long Tỉnh về trồng và mang một cái tên mới: trà Thái Nguyên Long Vân. Trà Long Vân là sự hòa quyện của hương vị Việt-Trung, có sắc thanh, hương thơm hoa lan và ngọt bùi như hạt dẻ.

Trên đây là một số chia sẻ nhỏ về những hiểu biết về Thập đại danh trà Việt Nam do Chè Duy Thịnh đề xuất . Hi vọng nhận được sự đóng góp quý giá của Quý Trà Hữu.

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay