Thế nào là trà xanh? Sao lại gọi là trà xanh mà không phải Trà trắng, trà đỏ?
Là loại trà hầu như chưa có bất kỳ sự oxi hóa hay lên men nào. Sau khi hái, lá trà tươi được làm héo rất nhẹ, sau đó cố định, vò (tạo hình) và sấy / sao khô để thu thành phẩm. Đối với matcha là hấp chín, sau đó sấy lạnh, nghiền bột để thu thành phẩm. Mấu chốt của trà xanh là công đoạn cố định, ngăn chặn toàn bộ sự oxi hóa và lên men, từ đó tạo hương vị xanh tươi. Trà xanh Nhật Bản cố định theo cách hấp chín lá chè bằng hơi nước rồi làm sấy lạnh tới khô, trong khi các nơi khác thường là sao sấy nóng bằng lửa. Do đó trà xanh Nhật có hương vị gần như lá tươi, màu nước xanh hơn nhưng thường kém về mùi thơm của quả rang và hương hoa cỏ thường có ở loại trà xanh được sao sấy. Trà xanh vị ngọt chát đắng cùng màu nước xanh tươi sáng.
Trà xanh chế biến không khó, không kén nguyên liệu và giống cây chè. Hầu như giống chè nào cũng có thể làm được trà xanh dù không xuất sắc thì cũng tương đối tốt. Sau đây là các loại trà xanh nổi tiếng.
Trung Quốc
1. Long Tỉnh: 龙井茶 nghĩa là giếng rồng (EN: Dragon Well), vùng Hàng Châu, Chiết Giang.
2. Hoàng Sơn Mao Phong: 黄山毛峰 (EN: Huangshan Maofeng), tỉnh An Huy.
3. Bích Loa Xuân: 碧螺春 nghĩa là con ốc xanh mùa xuân (EN: Bi-Luo-Chun), vùng Động Đình, Thái Hồ, Tô Châu.
4. Trân mi : 珍眉 nghĩa là lông mày quí giá (EN: Chun Mee), các tỉnh Chiết Giang, An Huy, Quảng Tây.
5. Châu trà: 珠茶 (EN: Lo Chu Ch’a, Zhu Cha), tỉnh Chiết Giang.
6. Trà hạt dưa (Lục An qua phiến): 六安瓜片 (EN: Lu’an Melon Seed tea), vùng Lục An, tỉnh An Huy.
7. Thái bình hầu khôi: 太平猴魁 nghĩa là khỉ đầu đàn bình an (EN: Taiping Houkui), tỉnh An Huy. Dịch ý theo tiếng Việt tôi thích gọi là “thái bình hầu vương’ hay đơn giản là “vua khỉ”, gợi nhớ tới Tôn Ngộ Không.
8. Trà Mao Tiêm Tín Dương: 信阳毛尖 (EN: Xinyang Maojian, Yu Maofeng), tỉnh Hà Nam.
Nhật Bản: Matcha, bancha, shencha, shincha, Genmaicha, Gyokuro, Hōjicha, Kabusecha, Kukicha. Matcha xuất hiện rất sớm từ thời nhà Đường, được ghi chép trong cuốn Trà Kinh của Lục Vũ. Hiện nay Trung Quốc có làm trà bột nhưng không phổ biến.
Hàn Quốc: Nổi tiếng với 2 sản phẩm Banya-cha và Jungno-cha. Ngoài ra, phân loại theo cách thu hái có Daejak, Jungjak, Sejak, Ujeon; theo cách pha chế có Ipcha (yeopcha), Garucha (matcha – bột); theo cách chế biến Deokkeum-cha (rang sấy) và Jeungje-cha (hấp).
Srilanka: Trà xanh Ceylon.
Mưa lạnh thế này, có được một ấm trà gừng thơm nồng ấm áp thì thật là tuyệt. Việt Nam mình có loại trà xanh nào đặc sắc không nhỉ??? Quả thật tôi không rành, bởi lớn lên chưa biết uống trà đã tha phương đất ngoại, gần chục năm rồi chưa được về. Mong cả nhà chỉ bảo cho biết kẻo thiếu sót đi cái gốc gác quê hương.
Nguồn: Mộc Thanh
Click Ngay