TIN TỨC

Tìm hiểu các thành phần dinh dưỡng trong mỗi ấm Trà

Saturday, 24/03/2018

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao trà lại có chiều dài lịch như lâu đến như vậy, và đến tận bây giờ vẫn là thức uống phổ biến thứ hai thế giới chỉ sau mỗi nước. Tại sao không phải là một loại cây nào khác, mà cứ phải là cây trà. Lý do là cây trà là loại cây cực kỳ phức tạp, từ một cây trà chúng ta có thể chế biến ra đến 6 loại trà khác nhau. Từ một cây trà nếu được trồng ở những vùng đất, ở những độ cao, và ở những khí hậu khác nhau thì chúng ta lại cũng có những loại trà cũng khác nhau.Sự phức tạp đến từ phía bên trong, đến từ những thành phần cũng như cấu tạo hoá học độc nhất vô nhị mà chỉ mình cây trà có được.

nhiet-do-tra-trong-tra

Amino acids

Amino acids là các hợp chất hữu cơ kết hợp với nhau dưới dạng chuỗi để tạo thành protein hay đạm, protein chính là nguồn sống chính của tất cả các sinh vật sống. Vào năm 1949, các nhà khoa học Nhật Bản khám phá ra rằng, 50% cấu tạo của trà chính là amino acids. Mỗi loại sinh vật có các hợp chất hữu cơ (amino acids) khác nhau, và cây trà thì có nhiều nhất theanine.

Bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có 4 vị cơ bản là: ngọt, chua, mặn và đắng (cay không phải là vị cơ bản). Ý tưởng này tồn tại cho đến khi người Nhật phát hiện ra vị cơ bản thứ 5 là umami, hay dịch đơn giản là ‘vị ngon’. Và theanine chính là hợp chất chịu trách nhiệm cho ‘vị ngon’ trong trà này. Umami hay ‘vị ngon’ rất khó để diễn tả nó có vị như thế nào, vì umami đơn giản chỉ làm nền cho các hương vị khác của trà được thăng hoa, đồng thời tạo nên cảm giác ngon miệng cho người uống. Đối với những người yêu trà xanh, thì họ luôn đánh giá loại trà này dựa trên umami.

Cây trà cũng là một trong 3 loại thực vật duy nhất trên thế giới có chứa theanine, hai loại cây còn lại là nấm thông (Boletus badius) và cây guayusa. Nấm thông là loại nấm ăn được trong chi nấm thông, thường mọc ở khu vực Châu Âu hay Bắc Mỹ. Còn guayusa là loại cây mọc ở các rừng mưa Amazon, loại cây này có nhiều caffeine như cà phê nên thường được người thổ dân sử dụng như một loại thức uống giúp tỉnh táo trong những cuộc đi săn. Không tính đến các loại thuốc được chế biến theo phương pháp tổng hợp (từ các chất hoá học nhân tạo), thì chỉ 3 loại cây này là nguồn tự nhiên của theanine.

Theanine có thể nói là một trong những lý giải chính cho hiện tượng ‘trà khí’. Trà khí là hiện tượng khi chúng ta uống trà vào thì bỗng thấy đầu óc thư thái và tỉnh táo, cơ thể cũng tràn trề năng lượng. Nếu bạn là fan của truyện kiếm hiệp thì có thể dễ dàng mường tượng ra cảnh này: một cao thủ đang bị nội thương trầm trọng thì người đồng môn của anh này chỉ cần đặt tay lên người bị thương và truyền ‘khí’, rồi một lúc sau là vị cao thủ này có thể hồi phục ngay lập tức. Quan niệm cũ về trà khí cũng tương tự như vậy, người xưa cho rằng khi uống trà thì chúng ta hấp thụ ‘khí’ của cây trà nên mới có những cảm giác nêu trên. Cây trà càng nhiều tuổi, hay được trồng ở nơi có phong thuỷ tốt thì sẽ càng hấp thu tinh khí của đất trời càng nhiều, và lá trà tất nhiên sẽ có nhiều khí. Thật ra thì theanine đã góp phần chính cho những biểu hiện này. Theanine giúp não tăng cường việc phát ra những sóng não alpha cùng với việc sản xuất dopamine, giúp chúng ta có được những cảm giác thư giãn như vậy.

len-men-va-oxi-hoa-trong-che3

Amino acids bị chuyển hoá thành polyphenols (tạo ra vị chát) khi lá trà quang hợp. Do đó chúng ta thường thấy các chủ vườn trà thường trồng trà ở những hướng đồi hoặc núi hạn tiếp xúc với ánh mặt trời (nhất là nắng trưa và chiều), hoặc họ trồng thêm những hàng cây có tán rộng để che nắng một phần cho vườn trà. Đối với hầu hết các loại trà thì vụ thu và xuân thường là ngon nhất, lý do là vì ngoài nhiệt độ thấp và mưa ổn định, trời cũng ít nắng to nên cây trà nhiều amino acids hơn nên hương vị cũng ngon hơn. Đối với một số nước như Nhật Bản chẳng hạn, họ có Gyokuro là một dạng trà xanh làm từ cây trà hoàn toàn được trồng trong bóng râm, còn Sencha thì làm từ cây trà hoàn toàn từ cây trà được trồng ngoài trời. Đối với gu uống trà xanh của người Việt thì cây trà xanh như trà Thái Nguyên sẽ vừa được quang hợp vừa được che chắn, để trà không chỉ có chất (umami) mà còn có vị chát đặc trưng.

Polyphenols

Mặc dù là nguyên nhân chính cho một vị không phải ai cũng thích đó là vị chát, polyphenols là một thành phần không thể thiếu của bất kỳ cây trà nào. Vì chính những lợi ích sức khoẻ mà cây trà mang lại đều đến từ polyphenols.

Polyphenol là dạng chất chuyền hoá được thực vật sử dụng để phòng vệ trước sự tấn công của sâu bọ cũng như nhiều loại động vật khác. Polyphenol là một danh mục (poly) bao gồm nhiều nhóm phenol khác nhau, thế nên chúng ta mới gọi những nhóm chất này là poly-phenol. Không chỉ riêng cây trà mà gần như tất cả các loại thực vật đều có polyphenol, nhưng cây trà lại có chứa rất nhiều những nhóm chất này. Trong lá trà tươi có chứa đến 40% là polyphenol, và nếu chúng ta chế biến lá trà tươi đúng cách (nhất là làm thành trà xanh), thì phần lớn lượng polyphenol này sẽ vẫn còn được giữ cho đến khi chúng ta pha trà.

Như đã nêu thì polyphenol được hình thành trong quá trình quang hợp, amino acids được chuyển hoá thành polyphenol dưới sự xuất hiện của ánh mặt trời. Tỷ lệ phần trăm polyphenol ở búp trà và lá non kế tiếp nhiều hơn so với những lá già ở dưới. Ở cây trà thì cứ càng xuống dưới thì những lá trà ở dưới lại càng không có nhiều polyphenol như lá trà non. Polyphenol cũng là chất tạo màu nên trà ngon làm từ lá non lại càng có màu nước trà đẹp. Như trà xanh Việt nam chẳng hạn, trà nõn bao giờ cũng có màu nước xanh ngọc bích đẹp hơn nhiều so với các loại trà búp rẻ tiền hơn.

Trong số khoảng 30.000 hợp chất polyphenol có trong trà, thì flavonoid là nhóm quan trọng bậc nhất vì chính nhóm này chịu trách nhiệm cho khả năng chống oxi hoá tuyệt vời của cây trà. Hàng loạt những nghiên cứu gần đây đều tập trung vào nhóm flavonoid vì tính ứng dụng cao của nhóm chất này trong y học cũng như chăm sóc sắc đẹp. Cấu tạo chính của flavonoid là các hợp chất flavanol, hay còn có cái tên phổ biến đó l hay catechin. Các hợp chất flavanol chính có trong trà đó là: catechin (C), epicatechin (EC), epicatechin gallate (ECG), gallocatechin (GC), epigallocatechin (EGC), và epigallocatechin gallate (EGCG).

thuong-tra-xinh-gai-khach

Bạn có thấy EGCG nghe rất quen không? Lý do là các nhà sản xuất nước giải khát chạy quảng cáo rầm rộ ở khắp mọi nơi, khẳng định rằng các chai nước trà họ bán có chứa EGCG giúp tăng cường sức khoẻ, chống lão hoá và đẹp da. Đối tượng khách hàng chính của các loại sản phẩm này là phụ nữ nên không có gì ngạc nhiên khi họ quảng cáo như vậy. Không bàn về chất lượng những sản phẩm này, thì những gì các nhà sản xuất này khẳng định là không sai. EGCG là loại catechin hoạt động mạnh nhất trong tất cả các loại catechin đã nêu, nên trong số các cuộc nghiên cứu về trà thì hầu hết đều tập trung vào nhóm chất này. Và theo các cuộc nghiên này thì EGCG thật sự giúp chống lão hoá hay chống các gốc tự do, giúp phần nào ngăn ngừa nhiều loại bệnh khác nhau có cả một số bệnh ung thư, đồng thời có tác dụng làm đẹp như chống lão hoá.

Enzyme

Từ cùng một cây trà thì chúng ta có thể làm ra được 6 loại trà khác nhau là: trà xanh, trà ô long, trà vàng, trà trắng, trà đen và trà Phổ Nhĩ. Dù từ cùng một cây trà, mỗi loại trà này được lên men hay oxy hoá theo một mức độ khác nhau nên chúng ta có những loại trà khác nhau đã nêu. Và quá trình lên men này sẽ diễn ra rất chậm nếu thiếu sự hỗ trợ của các enzyme có trong cây trà.

Enzyme hay còn gọi là men, là chất xúc tác sinh học (biological catalyst) giúp làm tăng cường độ của các phản ứng hoá học. Trong cuộc sống sinh vật thì có rất nhiều phản ứng hoá học xảy ra do tác động của nhiệt độ, áp xuất, độ pH… Và quá trình này diễn ra nhanh hơn rất nhiều với sự hỗ trợ của enzyme, do đó enzyme mới được đĩnh nghĩa là chất xúc tác sinh học.

Trong trà có rất nhiều loại enzyme khác nhau, nhưng quan trọng nhất là Polyphenol oxidase và peroxidase.  Hai loại enzyme còn gọi là enzyme hoá nâu (browning enzyme), chịu trách nhiệm cho việc hoá nâu của thực phẩm khi tiếp xúc với không khí. Lấy táo làm ví dụ, khi cắt trái táo rồi để lâu trong không khí, bạn sẽ thấy miếng táo bị hoá nâu trong một thời gian ngắn. Việc này xảy ra với hầu hết các loại thực phẩm tự nhiên, trong đó có trà. Tuy nhiên, người làm trà từ ngàn xưa đã biết lợi dụng việc này để làm ra các loại trà lên men như trà đen chẳng hạn. Trà đen là loại trà được lên men hoàn toàn, người làm trà sau khi hái sẽ để lá trà lên men tự nhiên bằng cách ủ để thúc đẩy quá trình này. Các enzyme hoá nâu hoạt động mạnh nên lá trà dần chuyển từ xanh sang nâu, màu nâu đỏ đặc trưng của trà đen chính là được “nhuộm” từ hai enzyme này.

bup-tra-xuan-suoi-giang

Hai loại enzyme này có thể bị dễ dàng loại bỏ bởi nhiệt độ, đây cũng chính là bước bắt buộc trong quy trình sản xuất trà xanh. Khi sản xuất trà xanh, việc đầu tiên phải làm đó chính là diệt men. Diệt men là quá trình cho lá trà tươi vừa hái lên chảo và xao ở nhiệt độ cao. Khi ấy thì polyphenol oxidase và peroxidase bị ‘diệt’ hoàn toàn, khả năng lên men hay oxy hoá của trà bị giảm ở mức tối thiểu (vẫn oxy hoá nhưng ở mức rất chậm).

Caffeine

Caffeine được xem là loại ‘thuốc’ thần kinh được tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Điều này không có gì ngạc nhiên vì ngoài nước ra, caffeine có mặt trong hầu hết những loại thức uống phổ biến. Tự nhiên thì có trà và cà phê, còn ít tự nhiên hơn thì nước tăng lực hay nước giải khát. Nhu cầu cao dành cho caffeine tồn tại ở mọi nơi, từ anh nhân viên văn phòng cần chút tỉnh táo cho công việc đến người thổ dân cần caffeine cho những cuộc săn bắn dài.

Theo quan niệm cũ thì cà phê có chứa nhiều caffeine hơn so với trà. Tính trung bình thì caffeine trong trà bằng một nửa so với cà phê hoà tan, còn cà phê hoà tan thì lại bằng một nửa so với cà phê hạt. Nhưng đấy là so sánh giữa nước trà và nước cà phê. Còn trong thực tế thì lá trà lại chứa nhiều caffeine so với hạt cà phê, ví dụ như 100g lá trà thì sẽ có nhiều caffeine hơn 100g cà phê một chút. Lý do là dù ít caffeine hơn một chút, nhưng bột cà phê lại tiết caffeine vào nước khi pha nhiều hơn lá trà, trong khi đó thì caffeine lại bị gữ lại trong lá trà. Trong số 6 loại trà cơ bản thì không có sự khác biệt lớn giữa hàm lượng caffeine, ít ai cũng dám khẳng định chắc chắn là loại trà nào nhiều caffeine hơn vì có rất nhiều yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến vấn đề này. Về việc trà đen nhiều caffeine hơn các loại trà còn lại cũng chính xác tương đối mà thôi.

Caffeine chịu trách nhiệm cho vị đắng của trà. Độ tiết ra của caffeine bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố là nhiệt độ nước và cách ngâm. Do đó dùng nước nhiệt độ càng cao và ngâm càng lâu thì trà càng đắng. Vì ít ai thích vị này nên nhiều cách pha trà được sáng tạo ra một phần cũng để tránh vị này. Cách pha của các nước phương Tây thì dùng nhiệt độ để kiểm soát caffeine, trà xanh thì dùng nước 80°C còn trà đen thì dùng nước 100°C. Còn người Trung Quốc pha theo kiểu Gongfu thì vẫn dùng nước sôi 100°C nhưng lại giảm thời gian ngâm trà, vài nước đầu có khi cho nước vào rồi rót trà ra ngay. Hiện đại thì khá nhiều người kết hợp cả 2 kiểu pha, vừa dùng nước nhiệt độ vừa phải, lại vừa giảm thời gian ngâm trà.

Ngoài ra thì yếu tố tự nhiên cũng ảnh hưởng đến hàm lượng caffeine trong lá trà. Ngược lại với một số chất đã nêu trong bài thì caffeine lại xuất hiện nhiều ở lá trà già, càng già thì lại càng nhiều caffeine. Nên cùng một loại trà thì trà chất lượng kém hơn bao giờ cũng đắng hơn. Trà túi lọc cũng chứa nhiều caffeine vì bên cạnh việc sử dụng lá trà già làm nguyên liệu chính, trà túi lọc còn được xay thành bột nên cũng xuất caffeine nhiều hơn trong lúc pha.

tra-bup-suoi-giang

Nhiều người tin rằng tráng trà trước khi pha cũng giúp giảm phần lớn caffeine có trong trà. Việc này cũng không chính xác hoàn toàn, đúng là lá trà sẽ mất khá nhiều caffeine trong lúc tráng, nhưng chỉ khoảng 10-15% cho khoảng 10s tráng mà thôi. Ngâm lâu hơn thì trà sẽ mất caffeine nhiều hơn nhưng những chất khác cũng sẽ bị mất đi.

Carbohydrate

Chắc bạn cũng đã từng nghe qua việc nhiều người chọn chế độ “low carb” để giảm cân hay còn gọi là ít tinh bột. Thật ra thì “low carb” là chế độ ăn hạn chế các hợp chất carbohydrate bao gồm tinh bột và đường. Khác với động vật trữ năng lượng từ thịt và mỡ, thì thực vật trữ năng lượng dưới 2 hình thức là tinh bột và đường. Cũng giống như động vật thì việc trữ năng lượng là cách giúp thực vật sinh tồn qua những lúc điều kiện không thuận lợi, như mùa đông chẳng hạn. Cây lúa thường trữ năng lượng bằng tinh bột và đường, còn cây trà thì là đường. Khi uống trà chúng ta có thể cảm nhận được vị ngọt của trà thì chính là đường mà cây trà tích trữ.

Đường trong trà chính là ‘thức ăn’ của vi khuẩn trong quá trình lên men trà. Cũng giống như đường và tinh bột trong gạo chính là nguồn thức ăn của vi khuẩn (men rượu) trong quá trình ủ men rượu gạo vậy. Do đó việc chúng ta có được những loại trà lên men như trà Ô Long hay trà đen, chính là nhờ thành phần đường có trong lá trà.

Đường chính là kết quả của quá trình quang hợp, mà như đã nêu trên thì quang hợp chuyển hoá amino acids sang polyphenol (có vị chát). Có nghĩa là khi cây trà quang hợp nhiều thì tạo vị ngọt và vị chát nhiều. Thế nên theo kinh nghiệm riêng của người viết thì trà nếu có vị ngọt nhiều thì ít nhiều gì cũng phải có vị chát đi kèm. Còn nếu trà của bạn chỉ có vị ngọt mà thôi thì hãy cẩn thận, vì đôi khi người làm trà không trung thực sẽ cho chất điều vị để trà có vị ngọt.

thuong-tra-shan-tuyet

Chất nhuộm màu

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao phần lớn lá cây lại có màu xanh ‘lá cây’, chứ không phải là một màu nào khác? Vì trong lá cây có một loại chất nhuộm có màu xanh ‘lá cây’ tên là chlorophyll. Trong quá trình quang hợp, chlorophyll chính là chất có khả năng hấp thụ năng lượng từ ánh sáng, sau đó chuyển hoá carbon dioxide (CO2) và nước (H2O) thành carbonhydrate (đường/tinh bột) và khí oxy – nguồn sống của mọi loài.

Cây trà ngoài chất nhuộm màu xanh lá cây chlorophyll, thì còn có một chất nhuộm màu khác là carotenoids. Carotenoids được đặt dựa trên tên gọi của củ cà rốt, thế nên chất này chịu trách nhiệm cho màu vàng, cam và đỏ của thực vật. Thế nên trà xanh thì dù pha ra có màu xanh lá cây đến đâu thì vẫn có chút ánh vàng. Khi lên men thì chlorophyll chuyển hoá thành pheophytin (màu đen), thế nên các loại trà lên men như Ô Long đen hay trà đen sẽ có màu cam hoặc nâu đỏ.

Các chất dễ bay hơi

Thưởng trà thì quan trọng nhất là hương vị. Trong khi phần ‘vị’ được quyết định chính bởi các thành phần amino acid, polyphenol và carbohydrate đã nêu; thì phần ‘hương’ được quyết định bởi một nhóm chất gọi là các chất dễ bay hơi. Không chỉ trà mà tất cả các loại thực phẩm khác đều có các chất dễ bay hơi, vì những chất này quyết định mùi hương của thực phẩm. Cũng giống như nhiều loại thực phẩm khác, thì những chất dễ bay hơi mà trà có được là kết quả hoàn toàn của quá trình chế biến, chứ lá trà tươi không hề có những thành phần này. Có nghĩa là hương trà được kích hoạt hay không là do ở khâu chế biến. Do đó phần ‘vị’ của trà được quyết định bởi thiên nhiên và cách trồng, còn phần ‘hương’ thì hoàn toàn do bàn tay của người làm trà quyết định.

Các hợp chất chẳng hạn như linalool là linalool oxide tạo nên mùi ngọt cho trà. Linalool có thể tìm thấy trong nhiều loại trà, trong đó thì hoa oải hương hay được dùng để chiết xuất linalool nhất. Geraniol và phenylacetaldehyde chịu trách nhiệm cho hương hoa của trà. Geraniol cũng thường được tìm thấy trong các loại thuốc lá ngon, còn phenylacetaldehyde có thể thấy trong các loại hoa hoặc bột kiều mạch. Nerolidol, benzaldehyde, methyl salicylate và phenylethanol tạo nên vị ngọt trái cây trong các loại ô long lên men cao hay trà đen. Nerolidol còn có trong hoa lài và oải hương, benzaldehyde chiết từ vỏ quế, methyl salicylate hay có trong cây lộc đề xanh, còn phenylethanol hay được lấy từ hoa hồng hay vỏ cam. Trans-2-hexenal, n-hexanal, cis-3-hexenol và b-ionone thì chịu trách nhiệm cho hương vị tươi mát. Nhiều hãng nước hoa dùng những hợp chất này để tạo nên mùi hương như hoa tươi cho các sản phẩm của mình.

Mùi hương của lá trà được cấu thành từ hàng trăm hợp chất mùi hương khác nhau. Thế nên mùi hương của trà cũng rất phức tạp. Như ‘vị’ thì chỉ có vài vị cơ bản, nhưng mùi hương thì lại quá nhiều. Thế nên ‘hương’ cũng chính là yếu tố chính mà người uống trà phân biệt loại cũng như chất lượng của từng loại trà.

bo-gap-tra-gia-re25

Vitamins

Vitamin là một trong 5 thành phần dinh dưỡng bắt buộc chúng ta phải hấp thu để có thể có được một sức khoẻ toàn diện nhất, các thành phần dinh dưỡng bắt buộc khác là: tinh bột, mỡ đạm và khoáng chất. Được ví là ‘siêu thực phẩm’ nên không có gì ngạc nhiên khi trà có chứa kha khá các thành phẩn vitamin khác nhau. Tuy nhiên, mỗi loại trà lại có những thành phần vitamin khác nhau. Như Vitamin C chẳng hạn, thì trà xanh có chứa nhiều loại vitamin này nhất, đến trà lên men một phần như trà Ô Long thì mất đi một phần, còn trà đen thì gần như không có Vitamin C.

Nhìn chung thì trà xanh nhờ không lên men và có thành phần hoá học gần giống với lá trà tươi nhất, nên cũng có chứa nhiều thành phần vitamin nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý là hàm lượng vitamin trong trà xanh cũng chỉ nhỉnh hơn các loại rau củ thông dụng một chút mà thôi (so sánh cùng khối lượng), thế nên bạn cũng không nên tin rằng cứ uống trà là không cần bổ sung vitamin từ các nguồn thực phẩm tự nhiên khác.

Vitamin C

Hàm lượng vitamin C trong trà xanh rơi vào khoảng 280mg cho 100g lá trà khô. Nếu chúng ta dùng 5g trà cho mỗi lần pha thì chúng ta có xấp xỉ 15mg Vitamin C cho mỗi lần uống trà. Theo khuyến cáo của bác sĩ thì thể trạng người Việt chỉ cần khoảng 60mg là đủ cho một ngày, những người hoạt động mạnh có thể cần nhiều hơn. Do đó chúng ta cần bổ xung thêm nhiều loại rau tươi và trái cây trong ngày. Nhiều người sẽ nghĩ rằng cứ ra hiệu thuốc mua viên sủi 1000mg về uống cho nhanh, nhưng như vậy là cực kỳ quá liều, chỉ những người cần vitamin C liều cao để chữa bệnh mới cần nhiều như vậy. Thật sự thì nguồn dinh dưỡng tự nhiên như trà và rau củ bao giờ cũng tốt hơn rất nhiều.

bo-gap-tra-gia-re2

Vitamin C có khá nhiều tác động tốt lên cơ thể chúng ta như tạo collagen giúp đẹp da, tham gia sản xuất một số chất truyền dẫn thần kinh và hormone, giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, đồng thời cũng là một loại chất chống oxy hoá.

Vitamin A

Hàm lượng vitamin A hay beta-carotene trong trà nhiều hơn hẳn so với nhiều loại thực phẩm khác. Thậm chí hàm lượng beta-carotene của trà bột xanh (matcha) còn nhiều gấp 5 lần cà rốt. Tuy nhiên, beta-carotene lại không hoà tan trong nước nên khi chúng ta pha trà thì hầu như không có chút beta-carotene trong nước trà. Do trà matcha được uống cả cái (bột trà) lẫn nước nên chúng ta hấp thụ được toàn bộ thành phần beta-carotene trong đó. Đây cũng là một trong những lý do khiến matcha lại trở nên phổ biến đến như vậy, vì chúng ta có thể ăn hay uống được toàn bộ chất dinh dưỡng có trong matcha.

Khi chúng ta pha trà xong thì bã trà vẫn còn chứa nhiều vitamin A, thế nên chúng ta vẫn có nhiều cách tận dụng thay vì đem đi đổ hoặc bón cây. Chị em phụ nữ có thể nghiền nhỏ bã trà ra để đắp lên da thay cho mặt nạ. Chất chính trong các loại kem chống loại hoá hiện nay là retinol, cũng chính là dạng biến thể vitamin A. Đó là chưa kể đến việc nhiều sản phẩm làm đẹp hiện nay sử dụng nguyên liệu là chiết xuất trà xanh. Hoặc chúng ta cũng có thể dùng bã trà để nấu ăn chẳng hạn, nấu chung với các loại hải sản như tôm cá để khử mùi tanh. Vitamin A trong thực phẩm giúp sáng mắt và cũng rất lợi gan, nhất là đấng mày râu Việt Nam hay bị yếu gan là do nhậu nhẹt nhiều (thậm chí nhậu nhiều nhất Châu Á). Do đó chúng ta nên tận dụng bã trà, nhất là bã trà đắt tiền thì bỏ đi rất là phí!

bep-dun-tra-da-nang-kamjove-B27-D12-8

 

Vitamin E

Vitamin E là một chất chống oxy hoá được dùng nhiều trong các sản phẩm làm đẹp ngoài da. Cũng như Vitamin A thì Vitamin E cũng không tan trong nước, thế nên một phương pháp làm đẹp tiết kiệm cho chị em phụ nữ là nghiền nhỏ bã trà ra, rồi đắp lên mặt. Nhiều chị em sợ bã trà không có chất, nên nghiền nhỏ lá trà khô để trộn với nước làm mặt nạ. Thế nhưng sự thật là ngoài các vitamin nhóm B và C ra, thì toàn bộ các thành phần vitamin còn lại trong trà đều không tan trong nước. Do đó bã trà dù có qua qua nhiều nước thì vẫn còn chứa nhiều vitamin E và A.

Chất khoáng

Lá trà có chứa khoảng 28 loại chất khoáng khác nhau. So với mặt bằng chung trong giới thực vật thì lá trà có hàm lượng khá cao các thành phần: flo, ma-giê, niken, selen, nhôm, kali, iot và asen. Asen hữu cơ an toàn như asen trong nước mắm truyền thống nên những người yêu trà hãy cứ yên tâm! Trong các thành phần chất khoáng trên thì lá trà có rất nhiều flo, thế nên nhiều chuyên gia cho rằng uống trà giúp bảo vệ răng rất tốt. Thế nên nhiều nhãn hàng đánh răng cũng tung ra dòng sản phẩm kem đánh răng chiết xuất trà xanh để xây dựng hình ảnh ‘tự nhiên’ của mình. Cũng giống như caffeine thì flo có nhiều ở những lá già.

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay