Việt Nam là một trong tám vùng quê hương của Trà còn lại trên thế giới. Không những vậy văn hóa Trà đã cùng đồng hành xuyên thế kỷ trong dòng chảy lịch sử văn hoá của đất nước… Nền văn hoá Trà đậm đà bản sắc Việt đã góp sức đưa Việt nam trở thành nước xuất khẩu trà thứ 5 trên thế giới và ước đạt doanh thu 300 triệu USD vào năm 2011. Đã đến lúc chúng ta cần biết một cách đầy đủ hơn về Trà nghệ Việt và tôn vinh những di sản văn hóa trà mà thế hệ cha ông một thời gắn bó, dầy công vun đắp.
Trà cụ Việt
Có thể thấy rất rõ trà cụ Việt không có gì nổi trội, song cũng không thể phủ nhận những nét riêng, độc đáo mà nền văn hoá trà Trung Hoa cũng chưa có được. Những vần thơ của Trần Nguyên Đán, khẳng định dòng trà “Bác học” trong giới quý tộc Đại việt đương thời đều theo mô tuýp Trung Hoa và còn dùng chảo nấu trà, một lọai trà cụ thịnh hành thời Đường – Tống. “Trà ướp Hoa Lan nấu trong vạc cổ đượm hơi sương….”.
Người ta còn uống trà trong Oản, Trản …vào thời gia trước thế kỷ X. Sau đó ấm chén trà đã được phát kiến, đăc biệt loại ấm Tử sa ra đời vào thời Minh-Thanh dã tạo nên một thời kỳ thịnh vượng của trà nghệ. Sang đến đời Khang Hy cách thưởng trà đổi sang lối hãm trà trong từng chén nhỏ song cung cách uống trà bằng ấm chén vẫn được ưa chuộng…
Chưa khẳng định rõ có từ bao giờ, nhưng chắc chắn trà cụ Việt đã có ngay từ thời Lý. Từ thế kỷ 15 trở về sau đã xuất hiện thêm nhiều lọai trà cụ thuần Việt và Bát tràng từng là một trung tâm sản xuất trà cụ nổi tiếng Đại việt. Những loại ấm chuyên bằng gốm men tk 11-12 cho biết lúc này Trà đã khá thịnh hành ở Việt Nam. Ấm chuyên nhỏ thời Lý hình quả bí ngô nhiều múi men trắng ngà, nâu đen hoặc mem da lươn, vai ấm trang trí bằng cánh sen nổi, hoặc gắn bông hoa nổi, cuống khắc chìm đã được phát hiện… Các nhà khảo cổ còn tìm thấy ấm trà tay quai hình con rồng ở vùng Thanh Hoá, Hoà bình. Thế kỷ 13-14 việc uống trà phát triển mạnh hơn với nhiều kiểu ấm chuyên mới men ngà vẽ lam mờ, men ngọc men nâu [Đồ gốm trong văn hoá ẩm thực Việt nam trg.81].
Thế kỷ 17 –18 trà cụ Việt đạt tới thời cực thịnh. Chắc chắn thế kỷ 17 – 18 cùng với sự phát triển của trà nghiệp và thú thưởng ngoạn trà rộng rãi trong cộng đồng dân cư mà công nghệ chế tác trà Cụ Việt đã đạt đến mức hưng thịnh huy hoàng nhất có phần không thua kém gì Trung Hoa. Ta hãy nghe những dòng tâm sự của danh sĩ đương thời Phạm Đình Hổ: “Khoảng năm Cảnh Hưng ở Tô Châu có chế ra một thứ hoả lò… người ta đua nhau mua chuộng… song gần đây nước ta đã có người biết cách chế ra, cũng bắt chước luyện than lại mà hầm lửa nắm đất lại mà nặn lò so với kiểu Trung Quốc cũng chẳng khác gì mà người ta cũng ưa chuộng lò, siêu, ấm chén lại chế ra nhiều kiểu thích dụng. Song chế ra nhiều thứ trà kẻ thức giả cũng cho làm phiền lắm.”
Thời Lê–Trịnh xuất hiện nhiều loại ấm đồng có quai xách đúc bằng khuôn đất từ đồng nấu chảy ở làng Lương tỉnh Bắc Ninh. Làng nghề Đại Bái lại chế tạo siêu đồng bằng các lá đồng dát mỏng gò cuốn và hàn với nhau.
Những công cuộc khảo cổ gần đây còn cho phép chúng ta biết đến loại chén Tống và chén quân thuộc dòng gốm Chu Đậu được vớt lên từ con tàu cổ “Cù Lao Chàm”. Bảo tàng Adam Malik Indonesia còn lưa giữ những trà cụ gốc Việt như bát gốm uống trà, đặc biệt nhất là bộ ấm chén khay trầu gốm liên hợp có niên đại thế kỷ 18 mang phong cáchc rất Việt có một không hai. Nghệ nhân đã khéo léo chế tác kết hợp bộ ấm chén trà và khay trầu vào làm một thật tài tình. Thế kỷ 17-18 đồ gốm Cao Chi (Giao chỉ) du nhập vào Nhật Bản và đã rất được ưa chuộng, bắt chước cho thấy đã có những bộ trà cụ Việt theo chân các thương thuyền sang đất nước Phù Tang.
Nói về trà cụ Việt Nam không thể bỏ qua dòng trà cụ ký kiểu đặt làm tại Trung hoa theo mẫu thiết kế của Đại Việt. Lọai trà cụ này chỉ thịnh hành từ đầu thời Lê-Trịnh lan dần sang triều Nguyễn và mất hẳn vào cuối TK 19. Đây là loại trà cụ bằng sứ vẽ men Lam hoài cao cấp đặt làm tại lò Cảnh Đức trấn nổi tiếng Trung Hoa. Toàn bộ trang trí, thiết kế mỹ thuật lại do các vua chúa và nghệ nhân Việt Nam nghĩ ra nên thấm đượm tâm hồn Việt, cảnh vật Việt. Chúng thật sự là một phần di sản vật thể quý báu, ẩn hiện phần nào diện mạo đã mất của kinh đô Thăng Long, giúp chúng ta tìm lại được một quá khứ thời vàng son của ông cha. Một hiện vật giá trị của dòng trà cụ này còn được lưu giữ là một chiếc ấm trà có niên đại khá sớm vào đầu thế kỷ 17 thuộc Đoài Cung – Phủ chúa Trịnh. Chiếc ấm đã mất nắp được nhà sưu tập khéo kiếm một chiếc nắp vẽ rồng men lam hồi song nền men trắng già hơn men thân ấm.
Nguyên thủy có thể nhà Chúa (Thanh Đô Vương Trịnh Tráng) đặt ấm không có quai cầm để chế tác thêm quai ấm bằng vàng (?) khi ngự dụng ấm trà. Hai bên thân ấm vẽ Phụng bay trong mây, mặt sau ấm vẽ thạch trúc phần bụng vòi ấm trang trí lá Cúc cách điệu [Cổ vật gốm sứ Việt nam đặt làm tại Trung hoa]. Cụ Vương Hồng Sển từng sưu tập được chiếc chén tống ký kiểu hiệu đề “Khánh Xuân Thị Tả” của Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm, vẽ men lam hồi rồng lớn năm móng bay lên không trung đối mặt với rồng nhỏ đang từ dưới biển rẽ sóng bay lên. Bộ trà cụ khá hoàn hảo còn lại có hiệu đề nội phủ trị hữu gồm một đĩa bàn lớn, một chén tống và hai chén quân. Đĩa bàn lớn 175mm vẽ rồng 5 móng với chim Phụng đích thị là đồ ngự dụng của nhà Chúa và bà Tuyên phi. Đồ trà ký kiểu còn nguyên vẹn nhất là bộ đồ trà của vua Gia Long đặt làm năm Giáp Tý (1804) gồm một tống 3 quân đặt trên cùng một đĩa hàm ý vua tôi quây quần bên nhau hòai niệm một thời đồng cam cộng khổ phục quốc. Chỉ chín năm sau bộ đồ ký kiểu khác được Gia Long đặt làm đã trở về lối truyền thống một chén tống trên đĩa riêng rẽ với 4 chén quân, báo hiệu cho quy luật quân thần muôn đời chỉ có thể “cộng hoạn nạn mà không thể đồng phú quý” và hàng loạt các khai quốc công thần bị giết hại sau đó. Vua Gia Long còn một chiếc ấm cổ khác có thiết kế kiểu rất đặc biệt với vóc dáng vững chãi thanh thoát lại phảng phất hình dáng của chùa Thiên mụ. Khuôn ấm kỷ niệm buổi đầu tạo dựng xứ Đàng Trong của Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng. Dòng trà cụ ký kiểu còn lại khá phong phú với lọ đựng trà men bạch định hiệu đề Cánh Thịnh nhị niên và chiếc ấm bát giác độc đáo đề Thiệu Trị niên tạo. Điều thú vị khi ta biết được trong nhà Chaigneau- viên quan người Pháp từng phụng sự tận tụy vua Gia Long sắp đặt đầy đủ trà cụ sành sỏi như một người Việt thực thụ“…. Khay thứ 2 đặt các tách uống trà… ở cửa sổ mặt tiền ngó ra ngoài có một cái bàn gỗ đặt các lò nấu bằng đồng, bằng đất nung dành nấu nước pha trà”
Gặp gỡ chứng nhân Trà Nghệ Việt
Dã sử ghi nhận ở Việt Nam đến đời Cảnh Hưng vẫn nhập các ấm Trà như một mốt thời thượng đồng thời cũng nói đến việc chế tác trà cụ ở Việt Nam. Điều đáng chú ý ở đây, danh sĩ Phạm Đình Hổ đã khẳng định bàn tay khéo léo của nghệ nhân Việt đã có thể chế tác rất nhanh những trà cụ nhập từ Trung Quốc một cách hoàn hảo. Điều này cho phép chúng ta nghó đến một nghề thủ công chế tác trà cụ bản địa phát triển mạnh mẽ đương thời Lê Trịnh song hành với thời vàng son của trà cụ Trung Hoa. Xét trong lịch sử trà cụ Trung Hoa, Nhật Bản ta không hề thấy bóng dáng một loại trà cụ thuần Việt rất độc đáo và đầy sang tạo: Ấm Cù Lao. Ngược lại Ấm trà Cù Lao được nhắc đến nhiều trong các văn phẩm Việt Nam. Có thể nói đây là sản phẩm của một công nghệ tích hợp tài tình “4 trong 1” đầy ngẫu hứng: Ấm đun nước, ấm pha trà, hỏa lò và lò sưởi của nghành trà cụ Việt. Chính nó góp phần quan trọng tạo dựng nên hình ảnh một nền văn hóa trà đậm bản sắc Việt không thể nhầm lẫn. Qua nhiều tư liệu cổ cho phép khẳng định ấm Cù Lao được chế tác vào cuối thời Lê-Trịnh và chính những người thợ gò đồng lá Đại bái là chủ nhân sáng tạo ra loại ấm độc đáo cùng lúc vừa đun nước, vừa pha trà lại vừa sưởi ấm ngày đông gia rét. Ấm được các bậc nghệ nhân tiền bối chế tác gồm 3 ngăn. Ngăn trong là hoả lị, ngăn ngoài vừa là siêu đun nước – vừa là ấm pha trà bao quanh hỏa lị có vòi rót và quai cầm. Ngăn dưới là phần đáy thoát xỉ than hoa. Cả hai ngăn trên đều có nắp đậy. Ngăn dưới có nắp tháo rời được để xả bỏ xỉ than tro. Loại ấm đồng kỳ diệu này đến nay tưởng đã thất truyền chỉ còn trong ký ức… bỗng bất ngờ “tái xuất giang hồ” tại lễ hội trà Đà Lạt 2006 trong sự ngỡ ngàng, trầm trồ thán phục của giới hâm mộ trà thời hiện đại.
Một trùng hợp thú vị, tại nhà ông Phạm Đình Nhân (chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long) tôi được mục kích một loại “ấm tích hợp” 4 trong 1 khác bằng gốm men nâu hỏa biến hình dáng khác biệt ấm Cù Lao nhưng cùng chức năng tương tự… “Ấm Cù Lao” quả là một sáng kiến tích hợp công nghệ chế tác hoàn hảo mà ngày nay ta quen gọi theo thuật ngữ là công nghệ 4 trong 1 (ấm trà – siêu nước – hoả lò – Lò sưởi). Ưu điểm nổi trội của ấm Cù Lao là kiểm soát chính xác điểm nước sôi và có thể điều khiển nhiệt độ hãm trà theo ý muốn. Tiết Đông Chí, thưởng trà sưởi ấm đàm đạo bên Cù Lao tưởng không thú nào bằng.
Nói đến ấm cù lao không thể bỏ qua than đun và kỹ nghệ luyện than của người Việt xưa, Ta có thể biết kỹ thuật luyện than Đại Việt qua Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn: “…Năm đầu niên hiệu Vĩnh Khánh (1729) Đội Mộc Thán (than cây) mới được thiết lập thành ngạch 100 người được hưởng chế độ miễn nộp các số tiền gà gạo sai dư cùng tiền sản xuất và tạp dịch. Đội Mộc Thán được đặt dưới quyền điều khiển của viên quản trị đồ gia, dần dần được thêm lên 195 người. Kỹ thuật xây lò ủ luyện than lúc này đã hoàn thiện”. Đặc biệt ở phố hàng Than có mấy gia đình chuyên bán loại than hoa cho ấm Cù Lao. Mãi đến đầu thế kỷ 20 than hoa còn được bán ở nhà cụ Hậu số 68 phố hàng Than [Hà Nội đầu thế kỷ XX], đây là loại than gỗ được luyện đặc biệt dùng cho hoả lò đun trà dễ bén, đượm lửa và cháy hết mà rất ít khói. Những lõi than nhỏ như ngón tay cái, bén nhanh, đượm nhiệt được chế tạo bằng bột than tốt nghiền nhỏ trộn chất kết dính ép lại thành viên. Khi nhóm lò chỉ cần hai cây đóm nhỏ bỏ vào trước rồi mới bỏ than vào, than sẽ bắt lửa ngay và chờ một loáng đã sôi nước.
Khí vượng quốc gia như đang trở lại với con cháu, vậy nên chỉ chưa đầy 1 năm sau, chiếc ấm Cù Lao thứ hai đã được cụ Lê Văn Kinh (Nghệ nhân Thêu dân gian, hiện ngụ tại tiệm thêu Đức thành 82 Phan Đăng Lưu tp Huế) công bố giữa năm 2007. Chiếc ấm này mới hơn, dáng vẻ chau chuốt hơn so với chiếc ấm ở lễ hội Trà Đà Lạt. Xét về tổng thể hai ấm này giống nhau về nguyên lý chế tác song ấm Cù Lao của cụ Kinh đã có những cải tiến một số chi tiết giúp thuận lợi hơn khi sử dụng (tay xách cao hơn tránh sức nóng của miệng hoả lò, chỉ có một nắp đậy thay vì hai nắp phức tạp vv…) Chiếc ấm của cụ Kinh có niên đại cuối tk 19-đầu tk 20 còn chiếc ấm đầu là sản phẩm được chế tác trước đó nên còn có những khiếm khuyết và không loại trừ có xuất xứ vào thời kỳ đầu của loại ấm cù lao ở cuối tk 18.
Điều đặc biệt quý giá của chiếc ấm này bởi nó có lai lịch rõ ràng, thuộc dòng đồ gia bảo của Quan tham tri bộ Lễ triều vua Khải Định (tương đương thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao) – Cụ Nguyễn Văn Giáo truyền lại cho cháu ngoại mình. năm nay 79 tuổi, cu Kinh đang là nhân chứng hiếm hoi gần như duy nhất của trà nghệ cung đình Việt . Cũng giống như nhiều dòng văn hóa khác, văn hóa viết về trà việt cực kỳ quý hiếm. Tư liệu còn lại đến nay đếm được trên đầu ngón tay khiến thế hệ con cháu khó lòng tái dựng được nghệ thuật thưởng trà của cổ nhân. Thực ra, dòng văn hóa trà việt mới chỉ bị đứt quãng vào nửa sau của thế kỷ 20 bởi văn hóa nô dịch thời thuộc địa, bởi hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đầy máu lửa kéo dài suốt 30 năm và sự cáo chung của chế độ phong kiến Việt nam. Hầu chuyện cùng cụ Kinh gần một ngày trời trong tiết mưa dầm dã xứ Huế, bên ấm trà nóng tỏa hương thuần khiết, giọng cụ Kinh trầm ấm, lúc xa lúc gần… nghệ thuật thưởng trà việt xưa dường như tái hiện lại trong hương trà. Luận cứ Trà Nghệ Việt không dùng trà đồng như trà nghệ Trung hoa tôi nung nấu bấy lâu, nay đã được cụ Kinh khẳng định là chính xác. Thủa niên thiếu, là cục “cưng” của ông ngoại cụ thường được ngồi “hóng chuyện” khi các cụ thưởng trà. Một viên lính lệ chuyên đun nước dưới bếp bằng một siêu đồng lá mỏng tang rất chóng sôi. Khi sôi chuyên sang ấm Cù Lao đưa viên lính lệ khác dâng lên cụ Tham tri. Là chủ buổi thưởng trà, quan tham tri bộ Lễ Nguyễn Văn Giáo luôn tự tay lau rửa, tráng ấm chén, chuẩn bị bàn trà và pha tuần trà đầu. Chủ trà nâng chén trà bằng hai tay mời khách cùng đồng ẩm. Đợt đồng ẩm này như một nghi lễ bắt đầu cuộc thưởng trà. Khi ấy các lính lệ, cụ Kinh dều phải lui ra để các cụ đàm đạo.
Đây chính là phong cách “Trà nô” do Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm khởi xướng vào cuối thế kỷ 18 và còn được lưu truyền trong dân gian tới ngày nay. Nghệ thuật “Trà nô” là nét đặc sắc, rất riêng ghi dấu ấn thời đạt cực đỉnh hưng thịnh của trà nghệ Việt. Vị quân vương tài hoa – Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1739 -1782) đã dầy công nâng nghệ thuật thưởng trà lên một triết lý thâm sâu… thoát hẳn khỏi cái bóng của văn hóa trà Trung hoa. Ông đã có công đưa ra một phong cách thưởng trà độc đáo gọi là “Trà Nô”. Chúa tự coi mình là “nô lệ” của trà để tận hưởng hết được cái hay, cái tinh túy, cái nhàn nhã thanh tao của thú thưởng trà. Không thiếu người hầu, song hàng sáng bên long sàng, bà Tuyên phi tự bắc bếp nhóm lò châm lửa đun nước còn Nhà Chúa đích thân tự tay hãm trà để ngự thưởng. Chúa dùng các siêu đồng nhỏ để đun nước. Hết siêu này lại đun siêu khác để pha trà. Than đun thì dùng than gỗ thông đặt mua từ Trung Quốc, tỏa nhiệt lại không lấm tay. Các bộ ấm trà của chúa đều được ký kiểu tại lò Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc) theo các trang trí do chúa nghĩ ra. Ấm chuyên nước của Chúa có rất nhiều, đều là đồ cổ quý giá bằng đất tử sa Nghi Hưng. Đặc biệt Chúa dùng trà ban cho triều thần như một phần thưởng cao quý. Được Chúa ban cho một chén trà thì quả là vinh hạnh bởi ai cũng biết cái triết lý “Trà Nô” của Chúa…
Cụ Kinh cho biết quan Tham tri thường tự nhận là “Trà nô” trong những buổi thưởng trà. Sau tuần trà đầu, chủ nhân có thể ủy quyền cho người ngồi bên phải kế mình pha trà mời khách cho tới hết buổi thưởng trà. Một viên lính lệ đứng xa, mặt cúi xuống phe phẩy hầu quạt các cụ. Người Việt luôn uống trà một tay, bằng cách xoay cổ tay để dùng chính bàn tay nâng chén trà vừa uống vừa che miệng. Đây cũng chính là điểm khác biệt với kiểu thưởng trà hai tay lai Trung hoa ở các trà quán hiện nay (một tay nâng chén trà, một tay che miệng uống như uống rượu). Ông cha ta luôn dùng chén Tống chuyên trà cho đều và để giữ hương trà chứ không dùng cách rót “lia trà” thay cho chén Tống như thường thấy ngày nay. Phong cách thưởng trà việt rất tinh túy thâm sâu, chén trà đôi khi thay lời tỏ nỗi bất bình. Một khi phật ý, người thương trà dừng uống đổ ngay chén trà vào ống “phóng” (ống nhổ). Cách pha trà cũng rất đặc biệt, trước tiên đổ trà lên long bàn tay để ước lượng rồi cho vào ấm, chế nước sôi. Dùng đũa Ngà khuấy đều trong ấm rồi chuyên nước nhất ra chén Tống. Rót nước sôi vào ấm lắc nhẹ cho đều trà và tiếp tục pha nước hai vào chén Tống. Lúc này mới chuyên trà sang các chén quân mời quan khách. Chén trà thường được uống theo kiểu “ba hồi” (ba ngụm). Hớp một đưa chén trà lên nhấp môi nhẹ vừa để thưởng hương trà, vừa để thử độ nóng. Hớp hai uống chính để thưởng vị đậm đà tinh khiết rồi tiếp tới hớp ba uống một hơi hết chén trà và “hồi” chén quân về khay. Trước khi hồi chén quân, các cụ thường dùng sức nóng ở thân chén lăn chườm lên mí mắt gọi là thuật “minh mục” giữ cho mắt sáng lâu dài…
Cụ tham tri luôn dùng hai cữ trà trong ngày, cữ trà sáng thường theo phong cách “Quan trà” ăn mặc chỉnh tề, uống các lọaị trà Tàu hảo hạng. Cữ trà buổi chiều thường theo phong cách “Dân gian” tự tại thoải mái thưởng trà trên chiếc chõng tre ngoài sân hè. Thảng hoặc, cụ còn dùng cả nước vối bình dân thay trà. Cụ Kinh say xưa khi kể về bộ sưu tập“trà cụ” đồ sộ hàng trăm kiểu của ông ngoại mà phần lớn là quà tặng ngoại giao của bạn bè hoặc từ những chuyến công cán của quan Tham tri. Trong “kho” trà cụ gia bảo ấy, cụ Kinh khẳng định có rất nhiều bộ trà cụ thuần việt được sản xuất từ các lò gốm sứ nổi tiếng của Việt nam. Một bộ trà cụ Việt mà cụ Kinh rất nâng niu tới ngày nay là bộ chén trà với chất xương gốm có phần hơi thô nhưng màu men rạn trắng ngà thật kiêu sa. Miệng các chén trà nạm vành đồng thùa (một loại đồng pha tỷ lệ lớn vàng và bạc) không bao giờ lên teng. Bộ chén đặc biệt này từng được cụ Vương “gạ” đổi với bất kỳ món đồ cổ nào trong nhà cụ… song cụ không chiu cho cụ Kinh biết về nguồn gốc qúy phái của món đồ. Giọng cụ Kinh bỗng trầm lắng xót xa… khi nhắc tới sự ra đi của kho báu vật ấy. Cụ Kinh vốn là bạn vong niên với cụ Vương hồng Sển và nhà văn Sơn Nam nên trong buổi quốc biến loạn lạc năm 1975 theo ý kiến mọi người cụ quyết định di tản kho báu vào Sài gòn… và định mệnh bi thương đã đến với sự tan tác của những món gia bảo trong khói lửa chiến tranh. Số còn lại ít ỏi ở Huế cũng lần lượt “đội nón ra đi” để cưu mang cuộc sống gia đình chật vật trong những năm tháng đầy cam go của đất nước. Nhờ trời, cụ vẫn còn lưu giữ được một số đồ gia bảo hiếm hoi trong đó có chiếc ấm Cù Lao độc đáo góp tiềng nói khẳng định công nghệ chế tác trà cụ Việt… Trà cụ Việt bằng đồng hiện còn tìm được loại ấm “Con cò”. Có tên dân gian như vậy có lẽ do vòi ấm vươn dài như cổ cò! Đặc điểm của loại trà cụ này là thường đi theo cặp và cán bằng đồng rỗng không có chuôi cầm.
Theo đạo diễn Minh Ngọc (TBT Báo SK Tp HCM), người từng được “mục kích sở thị” cụ Lý trưởng (bác ruột ông) dùng ấm Con cò pha trà vào khoảng những nãm 40 của thế kỷ trước. Cái độc đáo ở chỗ cụ có cái chuôi bằng sừng riêng để tra vào cái cán rỗng ấm nước đang sôi trên bếp nhấc ra rót vào ấm chuyên pha trà và dung chuôi sừng đặt ấm nước thứ hai lên bếp đun. Như “trời định”, khi tuần trà đầu vừa dứt cũng là lúc ấm nước thứ hai vừa sôi, quả là sự tính toán thần diệu của người xưa.
Trải suốt hành trình hơn 10 thế kỷ, văn hóa trà Việt đã vật vã thăng trầm cùng lịch sử dân tộc để lại cho hậu thế ngày nay một nét văn hoá Trà thấm đẫm bản sắc Việt. Trà nghiệp Việt Nam đã không ngừng vươn lên trong “Top 5” những nước sản xuất, xuất khẩu trà của thế giới. Theo dự báo của hiệp hội trà Việt nam, doanh thu từ trà sẽ đạt con số 300 triệu US đôla rất ấn tượng vào năm 2011. Lễ hội trà Việt lần đầu tổ chức ở Đà Lạt tháng 12 năm 2006 đã gióng lên hồi chuông báo hiệu Văn hóa trà Việt đang thức tỉnh sau giấc ngủ triền miên hơn nửa thế kỷ. Trà Việt đang rất cần sự góp sức chung vai của cả cộng đồng việt để tìm lại chính mình, phục hưng một thời vàng son của trà Việt. Những nỗ lực ấy sẽ giúp cho nghiệp trà việt cất cánh vươn cao, vươn xa trên con đường hòa nhập và chinh phục thế giới góp phần làm cho nước mạnh dân giàu.
Khảo cứu: Trịnh Quang Dũng
Click Ngay