TIN TỨC

Tìm hiểu về vùng trà Tủa Chùa Điện Biên

Monday, 30/12/2019

Được “tắm” mấy trận mưa rào sau đợt dài nắng hạn, chè cây cao Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) như khoác lên mình tấm áo mới xanh mướt, nõn nà. Trên những thân cây xù xì, meo mốc, lớp vỏ khô khẽ nứt ra nảy chồi mới lú nhú búp non xanh. Ngắm những rừng chè ngút ngàn tầm mắt, tôi phần nào nhận thấy sức sống mãnh liệt của loại cây biểu tượng nơi núi cao sương mù.

tra-shan-tuyet-suoi-giang3

Chuyện cây chè Tủa Chùa

Trải qua bao mưa nắng dãi dầu, cây chè Tủa Chùa vẫn kiên tâm bám đất ngậm sương để lớn lên và lặng lẽ sống bên những người nông dân nghèo khó. Chè và người bám bện lấy nhau vượt bão tố mưa dông…

che-shan-tuyet-co-thu-giang-pang-yen-bai (27)

Lặng lẽ sống bên người

Theo khoa học, chè cây cao Tủa Chùa có tên gọi là chè Shan tuyết và cùng dòng với chè Shan tuyết Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai nhưng với người Ðiện Biên nói chung, người Tủa Chùa nói riêng thì cái tên gọi “chè cây cao Tủa Chùa” được ưa dùng nhất. Bởi chỉ tên gọi đó mới đủ cho thấy cái đặc trưng riêng có của cây chè trên núi Sín Chải ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, cách trung tâm thành phố Ðiện Biên Phủ gần 200 cây số. Và tất nhiên, Sín Chải có nhiều nhất là… chè. Mọc thành rừng, mọc như bờ thành bờ lũy bảo vệ nương lúa, nương ngô và chè cây cao Tủa Chùa còn là “tấm lá chắn” ngăn gió đỡ mưa cho mỗi mái nhà của đồng bào dân tộc H’Mông nơi đây. Bởi thế mà cả những khi cây chè không đem lại giá trị kinh tế gì thì người H’Mông ở Sín Chải vẫn yêu quý, gắn bó với cây chè như trân quý báu vật cha ông để lại.

che-shan-tuyet-co-thu-giang-pang-yen-bai (29)

Chuyện ấy, ông Hạng A Chư ở bản Hấu Chua, xã Sín Chải – người sở hữu nhiều gốc chè cây cao nhất vẫn kể. Thuở ông nội của Hạng A Chư sinh ra thì trên núi dưới thung ở Sín Chải đã bạt ngàn chè. Một số loài chim ăn hạt rủ nhau về Sín Chải làm tổ, sinh con bầy cháu đàn ở đây. Bao nhiêu thế hệ người dân Sín Chải lặng lẽ đi qua vòng đời “sinh – lão – bệnh – tử”, họ vẫn nhớ như in những kỷ niệm cùng cây chè. Có cụ ông giờ chín mươi tuổi vẫn nhớ gốc cây chè nào mình đã ngồi nghỉ trên đường “cướp” vợ ngày xưa… Hạng A Chư là đời thứ ba thừa kế cây chè và cùng thế hệ với A Chư, ở bản Hấu Chua có 39 người cũng được thừa kế cây chè như thế. A Chư bảo: “Người H’Mông bản Hấu Chua quý cây chè lắm, dù nhiều khi cũng chả biết nên dùng nó vào việc gì cho có lợi nhất”.

che-shan-tuyet-co-thu-giang-pang-yen-bai (30)

Ðưa chúng tôi ra vườn chè, A Chư kể những câu chuyện gắn với kỷ niệm về ông nội và người cha quá cố của mình. Rằng cách đây lâu lắm rồi, dông bão kéo về bản Hấu Chua làm nhà cửa tan hoang, cây cối đổ sập như vừa xảy ra chiến trận. Sau trận dông bão ấy, cả bản chỉ còn mấy nóc nhà nguyên vẹn là nhờ có vườn chè chắn gió. Thế là sau khi thu dọn nhà cửa, chẳng ai bảo ai người ta ra vườn đốn những cành chè bị gãy, vun lại từng gốc bị gió quật, cây chè được chăm như chăm người bị thương. Cứ như thế, chè lặng lẽ sống bên người qua những tháng ngày dông bão. Rồi những khi mùa màng thất bát tưởng như chẳng biết trông vào đâu thì người H’Mông ở Tủa Chùa lại sực nhớ… cây chè, nhớ ngày xưa cha ông họ đã làm chè để thu về những đồng bạc trắng. Họ lại bảo nhau hái những búp non làm chè khô bán cho đồng bào Xạ Phang ở bên kia sông. Dẫu không nhiều song tiền bán chè cũng giúp nhiều nhà vượt qua cơn đói. “Với chúng tôi, thế là tốt lắm rồi!” – A Chư vẫn trải lòng khi kể những câu chuyện về cây chè như thế!

che-shan-tuyet-co-thu-giang-pang-yen-bai (35)

“Long đong” chốn sương mù

Khoảng cuối năm 1979 đầu năm 1980 với chủ trương phát triển kinh tế dựa vào cây thế mạnh địa phương, tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Ðiện Biên đã chọn chè là cây kinh tế mũi nhọn, tập trung phát triển ở hai huyện là: Tam Ðường, Tủa Chùa. Khi ấy, chè cây cao Tủa Chùa được khoanh vùng ưu tiên chăm sóc để duy trì nguồn giống cung cấp cho cả tỉnh. Ông Nguyễn Trọng Nghiêu, nguyên cán bộ Trạm Giống nông nghiệp Tủa Chùa, được cử lên Tủa Chùa chọn giống chè ngày đó nhớ rõ từng giai đoạn thăng – trầm của loài cây này. Ông Nghiêu kể: Ðầu năm 1980, tỉnh có chủ trương mở rộng diện tích trồng chè tại huyện Tam Ðường (tỉnh Lai Châu cũ), tôi và một số người được phân công về Tủa Chùa chọn giống. Nhưng chỉ thời gian ngắn (năm 1986), tôi lại được giao đảm nhiệm việc… phá chè vì chè không cho giá trị kinh tế bằng các cây trồng khác. Ðến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với việc vận động nhân dân phá nhổ cây thuốc phiện chuyển sang trồng cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày thì vẫn chính ông Nghiêu lại đi vận động nhân dân trồng chè trở lại, song nỗ lực vận động ngày đó không đem lại kết quả như mong muốn vì đã hơn một lần vận động dân trồng rồi phá nên vận động trồng lại khó vô cùng.

che-shan-tuyet-co-thu-giang-pang-yen-bai (15)

Ðến năm 2007, UBND tỉnh Ðiện Biên ban hành Quyết định số 1055/QÐ-UBND, phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển vùng chè bốn xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn và Sính Phình (huyện Tủa Chùa), giai đoạn 2006 – 2015, tầm nhìn 2020. Theo đó, với tổng nguồn vốn hơn 84 tỷ đồng đầu tư vào các hạng mục: cơ sở hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, hỗ trợ trồng và chăm sóc chè, trợ cước trợ giá, chính sách tín dụng cho người trồng chè… dự án được kỳ vọng đem lại giá trị vượt trội về kinh tế, bảo đảm cho người trồng chè sống được nhờ chè.

Ngoài những lợi ích về kinh tế, dự án cũng xác định lợi ích về xã hội, đó là việc đồng bào H’Mông bốn xã vùng dự án được nâng cao nhận thức, tập quán canh tác sản xuất trên đất dốc, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Ðặc biệt, chính quyền các cấp huyện Tủa Chùa không còn phải lo ngại về tình trạng dân di cư tự do, người dân không yên tâm lao động sản xuất, bởi mỗi năm sẽ có 5.000 lao động tìm được việc làm ổn định nhờ cây chè… Nhưng tiếc là đến tận bây giờ dự án không đem lại hiệu quả như dự kiến bởi tất cả các khâu đều không đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng. Sau hơn 13 năm triển khai, Dự án Quy hoạch phát triển vùng chè ở bốn xã nêu trên chưa một lần được tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, sòng phẳng. Bởi thế không chỉ người nông dân mà ngay cả đơn vị chủ quản Dự án vẫn không cụ thể được giá trị của cây chè. Từ trồng mới, thu hái, chế biến, tiêu thụ vẫn theo “nếp cũ” là bao cấp tất cả các khâu cho nên người trồng cứ trồng theo số khoán để nhận gạo nhận công; Công ty cổ phần Giống nông nghiệp tỉnh Ðiện Biên cứ thu mua, chế biến chè để kho rồi nhận… hỗ trợ. Giá trị cây chè vẫn chìm nổi bể dâu. Vậy cho nên hàng thế kỷ nay người trồng chè ở Tủa Chùa không thể sống “dựa” vào chè như người trồng chè ở Yên Bái, Suối Giàng. Ðó là một “nghịch lý”, một “nghịch lý” ai cũng biết ở chốn sương mù khiến đời chè với bao phận người mãi trong cảnh long đong…

che-shan-tuyet-co-thu-giang-pang-yen-bai (18)

Niềm tin “người mắc nợ cây chè”

Sau một tuần chè với người khách không hẹn, ông Nguyễn Trọng Nghiêu dường như đã nhớ ra tôi và nhớ chuyến công tác đưa đoàn nhà báo về bốn xã phía bắc huyện Tủa Chùa từ hơn chục năm trước. Rót thêm chén chè mời khách, ông Nghiêu thủng thẳng nói: “Quên được cũng nhẹ lòng, chứ không cứ quẩn quanh day dứt, tôi như người mắc nợ cây chè và có lỗi với nông dân”, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bởi tôi hiểu, nói lời ấy lòng ông day dứt lắm!

Cũng bởi day dứt nên nghỉ hưu rồi mà ông vẫn không thôi nghĩ về cây chè trong tâm trạng buồn thương. Nhất là khi nghe ai đó nói “chè Tủa Chùa không ngon”, “chè Tủa Chùa ế lắm” thì ruột gan ông lại rối như tơ vò. Cả đời làm với chè, ăn cũng nghĩ về chè và thậm chí ngủ còn mơ về chè nên ông Nghiêu hiểu hơn ai hết chất lượng, hương vị riêng có của chè Tủa Chùa – loài cây sinh ra trên núi đá rồi uống sương núi đá mà duy trì sự sống. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra, bao nhiêu ký ức ùa về đã thôi thúc ông trở lại Sín Chải, Tả Sìn Thàng động viên bà con thu hái chè cây cao bán cho tư thương và mấy xưởng thủ công trong xã. Ðêm từng đêm, ông lại cặm cụi sao từng mẻ chè rồi đóng gói cẩn thận để… gửi biếu người thân, bạn bè với lời nhắn: “Nếu thấy ngon thì nói giúp để chè Tủa Chùa khỏi mang tiếng không ngon”. Có người nghe chuyện của ông thì cười “ông già lẩn thẩn” vì họ nghĩ mình ông sao có thể nâng giá trị cho sản phẩm chè cây cao Tủa Chùa.

che-shan-tuyet-co-thu-giang-pang-yen-bai (34)

Ấy vậy mà ông làm được khi số chè thu mua vụ sau cứ nhiều hơn vụ trước. Người được tặng chè khen, người mua chè cũng khen, tiếng thơm chè Tủa Chùa cứ thế được truyền từ người này sang người khác, đến nay số lượng chè sao chế của riêng nhà ông Nghiêu đã lên tới hàng chục tấn búp tươi mỗi vụ. Ðể có chè cung cấp cho khách quen, đầu năm 2019 ông Nghiêu dành toàn bộ vốn liếng mua thêm hai máy sao chè công suất lớn; ông cũng đầu tư máy đóng gói, bảo quản chè được lâu hơn. Mới đây thôi, cô con gái út của ông Nghiêu với cái tên thật đẹp Nguyễn Mỹ Linh đã từ chối lời mời làm việc ở Lai Châu để ở nhà cùng ông làm chè với mong muốn góp phần định hình lại thương hiệu chè Tủa Chùa, giúp người trồng chè yên tâm gắn bó với cây chè.

che-shan-tuyet-co-thu-giang-pang-yen-bai (37)

Trò chuyện với chúng tôi, Mỹ Linh cho biết: “Ngoài sản phẩm chè xanh truyền thống được bố truyền dạy kinh nghiệm, em đã nghiên cứu làm thêm hai sản phẩm là Bạch trà và Hồng trà từ chè cây cao Tủa Chùa. Hiện em đang chờ chứng nhận tiêu chuẩn OCOP rồi mới gửi các sản phẩm từ chè cây cao Tủa Chùa sang châu Âu và các khách hàng lớn ở Nhật, Hàn Quốc, để người thưởng trà trên thế giới biết đến vùng chè nổi tiếng nơi em sinh ra và lớn lên”.

Hỏi thêm Mỹ Linh là em có tự tin với dự định tới không thì tôi rất ngạc nhiên khi nghe Linh nói: Em tin em thành công vì em biết chất lượng chè Tủa Chùa rất đặc biệt, chắc chắn người tiêu dùng sẽ ưa thích khi được dùng chè Tủa Chùa đúng chất. Nói thêm về thị trường, Mỹ Linh cho biết, mấy năm gần đây thương lái từ Trung Quốc, Lào, Thái-lan, Mi-an-ma phải lặn lội về Tủa Chùa để thu mua 80 nghìn đồng/kg chè búp tươi (vụ xuân); còn những vụ khác dao động từ 35 – 40 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, nhiều gia đình người H’Mông ở Tủa Chùa đã có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ cây chè và niềm tin với cây chè trong họ đang lớn dần lên.

che-shan-tuyet-co-thu-giang-pang-yen-bai (24)

Trước lúc chia tay, ông Nghiêu còn tặng chúng tôi một gói chè với lời dặn: “Thưởng chè lúc tĩnh nhất để thấy vị riêng của chè Tủa Chùa” làm chúng tôi cứ đoán già đoán non về “cái vị khác” ấy. Và hôm nay, nhấp một ngụm chè trong chiều mưa thành phố, tôi như thấy mùi hương rất quen mà cũng rất riêng thổi về từ gió núi Tủa Chùa. Bất giác tôi nhận thấy dư vị riêng của chè Tủa Chùa không chỉ theo đường lưỡi mà theo đường máu đánh thức trái tim người thưởng lãm. Bởi chè Tủa Chùa có mưa, có nắng, có cả cái phong trần đắp đổi của bao nhiêu thế hệ người nông dân qua mấy trăm năm con tạo vần xoay…

che-shan-tuyet-co-thu-giang-pang-yen-bai (20)

Toàn huyện Tủa Chùa có 7.933 cây chè cổ thụ (khoảng 30 ha). Trong đó, nhiều nhất là xã Sín Chải trên 3.000 cây; còn lại là các xã: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng.
BÀI VÀ ẢNH: LÊ LAN

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay