TIN TỨC

Trà shan tuyết Khau Mút cần lắm những bà đỡ

Tuesday, 18/04/2017

Mất sáu giờ đi bộ, vượt qua các dãy núi Kéo Tấu, Kéo Ca, Phia Trẩu… sương giăng mây phủ, tôi mới lên được đỉnh núi Khau Mút (thuộc xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang). Bù lại, tôi được trèo lên những cây trà shan tuyết hàng trăm tuổi, cao cả chục mét, đường kính thân to đến một mét, để tự tay hái trà về sao và thưởng thức.

Trồng trên núi được mấy đời rồi

Mô tả cái ngon của trà shan tuyết Khau Mút, ông Lý Kim Phúc, người Dao đỏ ở xã Thổ Bình, nói: “Chè thường thì uống thấy chát, còn chè này thơm, uống một lúc thấy ngọt ở miệng…”. Theo ông Phúc, cây trà shan sống trên núi đã mấy đời rồi. Ngày xưa, bản ở trên núi, đến năm 1972 thì hạ sơn, nhưng đến nay, những người làm trà đều lập trang trại trên núi cao để sao trà, nuôi cả dê, gà, lợn, trồng ngô, bí, nấu rượu… Người dân vẫn truyền khẩu câu chuyện về một người đàn ông dân tộc Dao sống độc thân trên ngọn Khau Mút. Một lần, ông đem 30 gói trà ra thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa) đổi được một thỏi vàng cổ đựng trong chiếc hòm sắt nhỏ có khóa hẳn hoi. Ngày ấy, những búp trà to lộc ngộc, ngậm sương núi, được sao khô bằng chảo gang. Trà sao xong được gói bằng loại lá to bản có tên là đèng cú nòm, cứ năm lá thì gói năm lạng trà. Trà được gói bằng thứ lá này có thể để trên gác bếp cả năm mà mùi vị vẫn không thay đổi…

Sau bữa cơm trưa, Lý Tiến Đường, con trai của ông Phúc, dẫn tôi lên núi Khau Mút. Chúng tôi đi bộ luồn lách qua những con đường mòn, lên cao dần có khi phải lách chân qua từng khe đá, một tay cầm dao phác cây dọn đường, mệt thì ngồi tựa gốc cây, tảng đá mà nghỉ, khát thì múc nước suối trong vắt mà uống. Dọc đường, chúng tôi gặp rất nhiều người, kẻ từ trên núi dắt ngựa thồ nông sản xuống; người gùi/khiêng gạo, muối, máy móc từ chân núi lên.

Ba giờ sau, khi trời đã nhọ mặt người, chúng tôi lên đến lán trại của người làm trà nổi tiếng nhất là ông Phùng Vinh Quý. Gia đình ông Quý cũng vừa đi hái trà ở đỉnh Khau Mút về. Bà Khách vợ ông đổ trà từ những bao tải ra nia, tãi mỏng cho trà khỏi ôi rồi cho vào tôn quay sao. Trong khi vợ chồng người con trai bắt gà làm cơm mời khách thì ông Quý pha một ấm trà mới sao hôm trước. Chén trà tỏa hương thơm lừng, nước vàng ươm, khách uống cảm được vị ngọt hậu.

Ông Quý có một héc ta trà già và hai héc ta trà mới. Những cây trà cổ được trồng từ “thời các cụ”. Ngày xưa, nhà ông sao trà bằng chảo gang, nhưng từ năm 2000, ông trở thành người đầu tiên trong vùng đầu tư lò sao trà, tuy vẫn sao bằng củi. Lò quay nặng 72 ký, máy vò nặng 30 ký, mỗi cái trị giá hai triệu đồng. Mua xong, ông phải huy động sáu người thay nhau khênh chúng lên lều trên núi. Hiện tại nhà ông có hai lò sao, cứ một mẻ 6 ký trà tươi sao được 1 ký trà khô, mỗi năm gia đình ông làm được hơn một tạ trà khô, bán giá từ 180.000-300.000 đồng/ký. Anh Lý Tiến Đường nói cơ sở trà Quý Doồng (Doồng là tên người con trai) của gia đình ông Quý bán trà có uy tín xưa nay.

Bà Khách vừa quay tôn vừa góp chuyện, rằng lâu lâu bà vẫn bị một mẻ quá lửa, nổ búp, mùi không được thơm như mùi chè mà như mùi cà phê, pha ra nước màu đỏ, thế nhưng các cụ lại thích, vì “như sao bằng tay trên chảo gang ngày xưa”. Nói về trà ngon, bà chia sẻ: “Chè càng già càng thơm; chè nắng thơm nhiều, chè mưa thơm ít (hái trà vào ngày nắng về sao sẽ thơm hơn hái trà vào ngày mưa)”.

Sau một đêm nghỉ ngơi trong lán trại giữa rừng, sáng hôm sau, tôi theo gia đình ông Quý lên đỉnh Khau Mút hái trà. Đi chừng 30 phút, chúng tôi đã gặp những cây trà sao sừng sững, có cây cao đến hai chục mét, thân to hơn một mét bám đầy rêu, địa y, phân cành tỉa nhánh tua tủa. Mọi người thoăn thoắt leo lên rồi mất hút giữa những tán trà. Lá trà shan tuyết xanh mơn mởn, to như lá đa, búp to như cái đinh năm, đinh mười, phủ đầy lông tơ trắng muốt, cứ chọn một búp hai lá mà hái. Anh Phùng Thừa Phú, con trai ông Quý, cho biết vào mùa xuân, mỗi cây trà một người hái suốt một buổi mới hết.

Rừng núi bao la, âm u, sương giăng mù mịt, 10 giờ sáng vẫn chưa thấy mặt trời. Mọi người tỏa đi hái trà đến 2 giờ chiều thì trở về điểm hẹn. Người nào cũng gùi một bao đầy căng có đến 20 ký trà. Về đến lán đã 5 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu nhóm lửa sao trà.

Ông Quý cho biết tính theo Âm lịch, vụ thu hoạch trà xuân thường bắt đầu từ cuối tháng Giêng, hái trong khoảng hai tuần. Đây là vụ cao điểm, có ngày hái được năm, sáu yến. Những đợt hái tiếp theo vào đầu tháng Tư và tháng Năm, mỗi tháng cũng hái hai tuần. Đến đầu tháng Bảy thì đã ít trà, chỉ hái được khoảng một, hai yến. Từ tháng Mười là cây trà ngủ đông…

Chưa xứng với tiềm năng

Ông Ma Công Đoài, Phó chủ tịch UBND xã Thổ Bình, cho biết hiện trên núi Khau Mút có 22 héc ta trà shan tuyết cổ thụ trồng thưa từ ngày xưa thuộc địa phận xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình và xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa. Từ năm 2005 đến nay, thực hiện dự án “Cải tạo phục hồi diện tích chè hiện có và trồng mới rừng phòng hộ bằng cây chè shan Khau Mút”, Ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình lấy giống ở tỉnh Hà Giang về cấp cho người dân trồng mới thêm 240 héc ta. Trà trồng từ độ cao 700 mét so với mực nước biển trở lên với mật độ 2.500 cây/héc ta. Ở trên núi cao quanh năm mát mẻ, có sương phủ nên búp trà có tuyết, uống rất ngon.

Anh Phượng Quý Chu, cũng ở xã Thổ Bình, là một trong những người tâm huyết với cây trà shan Khau Mút. Năm 2013, anh đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Đồng Tiến chuyên trồng, thu mua và chế biến trà shan Khau Mút. Hợp tác xã được Dự án Tam nông hỗ trợ 100 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền chế biến trà. Hợp tác xã thu mua trà búp tươi của người dân với giá 15.000 đồng/ký, có thời điểm công suất chế biến lên tới 200-300 ký nguyên liệu/ngày. Hiện nay, mỗi năm hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ gần 1,5 tấn trà khô, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, cho biết từ năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã đưa vào quy hoạch vùng nguyên liệu trà Khau Mút. Nhãn hiệu trà Khau Mút cũng đã được công nhận, song, để phát triển thành thương hiệu thì còn nhiều khó khăn. Giá trà Khau Mút hiện nay còn thấp so với nhiều loại trà đặc sản khác trên thị trường bởi sản phẩm chưa được cải thiện về mẫu mã cũng như chưa có nhiều người biết đến. Hợp tác xã Đồng Tiến đứng ra thu mua trà của dân nhưng sự đầu tư còn ít và chưa phát huy một cách hiệu quả việc liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trà shan Khau Mút đang chờ người “khai mở”.

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay