Đất nước Việt Nam không thiếu trà quý, không thiếu người uống trà, không thiếu người làm trà có kỹ thuật cao, và, cũng không thiếu bề dày lịch sử về hoạt động uống trà, sản xuất trà. Chúng ta cũng có những vùng trà cổ thụ quý, có thể xếp thứ hạng trên thế giới. Vậy vì sao nghề trà nước ta lại đang phải trải qua giai đoạn khó khăn như hiện nay?. Nhìn cho kỹ, ta sẽ thấy muôn sự khó khăn đó lại hầu như do chính chúng ta tạo ra mà thôi.
Trồng trà
Chuyện người trồng trà trồng dối, âu cũng là nước cùng, bởi lẽ họ cũng như ta đâu muốn tiếp xúc với hóa chất và quan trọng hơn nữa là họ không muốn con cái họ phải hít thở trong bầu không khí đầy hóa chất. Nhưng, miếng cơm manh áo khiến họ vẫn phải làm, phóng lao phải theo lao, cây đã quen được “truyền dưỡng chất” không ngừng được nữa, một vòng luẩn quẩn quấn lấy cổ họ, quấn lấy cuộc sống vốn đã đầy rẫy khó khăn của họ. Xong không vì thế mà có thể bỏ qua cho được. Họ đã gian dối khi cây đầy thuốc, đất đầy chất vô cơ mà họ vẫn thản nhiên nói là sạch, nói không chớp mắt, mặt không biến sắc, khóe miệng không run.
Chế biến trà
Nói chuyện chế biến lại càng nhiều nỗi nhiêu khê.
Có lần, theo chuyện tôi nói “người Tân Cương không biết làm trà”, ngay lập tức tôi nhận được ý kiến “cậu nói thế không ổn, ở Tân Cương họ làm trà nhiều đời thì sao họ lại không biết làm trà được”. Đáng lý ra, ý của họ phải đúng, tôi cũng từng đặt vấn đề như thế: Tại sao đất nước ta có lịch sử về trà lâu đời như vậy mà tới giờ nghề trà vẫn thô sơ đến thế ?. Tôi suy nghĩ nhiều, và trên con đường tôi đi với trà tôi nhận ra: Bao đời nay người làm trà nước ta mới chỉ dừng lại ở mức nhu cầu kiếm sống, hoặc tích trữ để đến khi không có thì uống, trà làm ra bán được hoặc để lại được là xong. Đất nước hòa bình chưa đủ lâu, kinh tế chưa đủ thịnh vượng trong toàn dân, người giàu chưa hết đời thứ hai và chủ yếu đi lên từ buôn bán, điều này khiến nhu cầu thưởng thức và tính thẩm mỹ trong việc ăn uống chưa được coi trọng. Người tiêu dùng chưa coi việc ăn uống là thưởng thức, yêu cầu thẩm mỹ chưa cao thì có sao dùng vậy, họ bán sao dùng vậy, thậm chí kinh tế còn eo hẹp nên “kém tí không sao, miễn rẻ”. Khi tôi làm trà, nhu cầu của tôi không dừng lại ở chỗ làm một sản phẩm có thể bán và giá thành cạnh tranh. Nhu cầu của tôi là được chơi với trà, được thưởng thức nó và hưởng thụ cuộc sống bên cạnh trà thế nên tôi cư xử với trà không bình thường, vậy việc có được những loại trà có vài phần vượt trội so với người dân âu cũng là lẽ thường của tự nhiên chứ chưa hẳn đã do năng lực của tôi vượt trội hơn được người khác!.
Trên Tà Xùa, có bà Mo (đã quy tiên hai năm trước) làm trà rất ngon, bà lão ở bản Chung Chinh, có thể nói bà là người làm trà ngon nhất Tà Xùa, nhưng cả xã có một người duy nhất, trước và sau bà cũng chẳng còn ai nữa. Tại sao lại như thế?. Chính bà Mo cũng không biết tại sao trà của mình lại ngon!. Cả xã có chừng trên dưới năm trăm người làm hoặc từng làm trà, nhưng mỗi người một kiểu, người sau nhìn người trước rồi cứ thế mà làm, thế nên có thể nói năm trăm người là năm trăm kiểu khác nhau. Họ hoàn toàn không có ý niệm gì về nhiệt, lực vò, sức nặng bàn tì, vòng quay lồng sao và máy vò …, tất cả những biến số liên quan đến chất lượng trà hầu như không gây cho họ chú ý nào. Nếu một người làm trà làm nghiêm túc, có để ý đến các thông số kỹ thuật, rồi trong quá trình làm anh ta chịu khó thử nghiệm thì cùng lắm cũng thử đến một vài trăm lần mà thôi. Xã Tà Xùa có khoảng năm trăm người làm, vậy có khác gì một người làm với năm trăm lần thử nghiệm, có một lần thử nghiệm cho kết quả tốt là dễ hiểu, trường hợp bà Mo với tôi, tôi coi như một mẫu thử nghiệm thành công. Hiềm một nỗi cái “mẫu bà Mo” đó lại thuộc các phép thử của “tự nhiên” chứ không phải của con người. Thế nên nó không được tổng hợp thành phương pháp, thành nguyên lý, quy trình để có thể truyền dạy hay đơn giản là để chính bà Mo trả lời được câu hỏi: Vì sao trà của bà ngon?. Bà Mo là một sự may mắn!.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp chế biến trà đã để ý rất nhiều đến quy trình chế biến, họ chịu khó thăm quan các vùng trên thế giới và cũng không ngần ngại nhập thiết bị, công nghệ để chế biến. Theo tôi đấy là tín hiệu tốt, tất nhiên, khi phụ thuộc vào công nghệ của họ sẽ có những bất cập. Công nghệ và quy trình chế biến được hình thành dựa trên đặc tính của nguyên liệu, mà nguyên liệu mỗi vùng lại khác nhau quá nhiều, thế nên đôi khi chẳng những nó không làm cho sản phẩm trà của xứ ta tốt lên mà còn bị kém đi. Tôi chỉ không đồng ý khi họ tự xưng đấy là những cải tiến, những nghiên cứu của riêng họ!.
Việc chế biến thủ công hoặc bán thủ công ở các vùng trà chủ yếu theo phương pháp của Thái Nguyên, Phú Thọ khiến các vùng trà nhòa vào nhau. Như vùng Suối Giàng là một vùng có nguyên liệu rất tốt, những cây cổ thụ trăm năm tạo ra những búp trà với tính cách rất riêng, nhưng hiện đang bị chế biến theo kiểu của Thái Nguyên. Trà Suối Giàng là loại trà San Tuyết mà Thái Nguyên lại là trà trung du, chúng khác nhau quá nhiều nhưng lại đang bị cư xử như nhau trong cách sao chế. Khiến uổng phí cả vùng trà!
Tệ hơn nữa, chúng ta đang có rất nhiều “nghệ nhân trà” mà không bao giờ làm trà …!
Buôn bán trà
Mấy năm nay, việc buôn bán trà trong nước có chiều sôi nổi dần lên. Nhiều người cất công tìm kiếm những loại trà lạ được người dân bản địa tự làm theo lối xưa cũ truyền lại. Điều đó là tốt!. Nó khơi dậy phong trào dùng trà trong dân, và giới thiệu được nhiều loại trà từ những vùng sâu thẳm, xa xôi tới những thị dân dùng trà. Nhưng khổ nỗi, mỗi người một vẻ, tựu chung lại họ muốn ghi dấu và muốn đứng vào vị trí người làm trà, thế nên, thông tin mà họ quảng bá ra cũng mất đi sự chân thực. Bỗng chốc các lão phu sơn cước trở thành người tinh tế khi được tuyên truyền theo kiểu “tôi cùng những bô lão vùng cao lặn lỗi tìm kiếm vào tận rừng sâu, núi thẳm, nhằm lựa chọn tỉ mỉ từng búp trà rồi chế biến vô cùng công phu và tinh tế”. Tất nhiên không ít những người giữ đúng vai trò là người buôn bán chân chính, họ mua sao bán vậy, người làm nói gì họ nói vậy, trà ở đâu họ nói ở đó, không thêu dệt hay thêm thắt khiến câu chuyện trở nên kỳ ảo. Tôi đi nhiều vùng, sống cùng người dân kể lâu thì chưa phải, nhưng bốn năm năm thì cũng coi là có thâm niên. Những gì lướt qua mắt tôi cho tôi thấy, thực chất người dân vùng trà đặc biệt là H’mông là những người hồn nhiên, hồn nhiên từ cách ăn, cách mặc, từ cuộc sống cá nhân tới cách ứng xử với người ngoài. Họ thiếu hoàn toàn thông tin và những trải nghiệm bên ngoài cộng đồng vốn có cách sống rất “thiên nhiên” của họ. Vậy tôi rất thắc mắc và hồ nghi về sự tinh tế theo nghĩa hiện đại của họ hoặc sự tinh tế theo nghĩa một Nghệ nhân thực thụ.
Lại còn có những thương gia hay “trăn trở” về trà Việt ta, cũng tốt, ấy nhưng thật kỳ lạ là cứ “trăn trở” không thôi chứ chẳng chịu làm gì, cứ “hô phong hoán vũ” lấy vui vậy nhưng vẫn không dùng trà Việt, không đụng tay đến trà Việt. Tôi nghĩ sự “trăn trở” ở đây mang hàm ý khác, như mất ngủ chẳng hặn!. Nói thế có vẻ nói vui nhưng lại thực, các vị chịu khó đi một vòng thì những gì tôi viết trên sẽ hiện ra trước mắt.
Uống trà
Tôi làm trà kể cũng đã gần năm năm, qua đó tôi may mắn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều đối tượng người dùng, già có, trung có, trẻ có, thuộc nhiều lĩnh vực từ khoa học, xã hội, nghệ thuật đến mỹ thuật…. Tôi thông cảm với họ vì họ thiếu mất một cây cầu được xây dựng trên nền tử tế. Những người có chính kiến và trí tuệ tôi không chắc mình bằng được họ, nhưng còn nhiều người “khổ đau” lắm. Những người buôn bán trà như tôi đã thêu dệt nên muôn thứ diệu linh xung quanh việc uống trà, khiến việc uống một chén trà không còn hồn nhiên được nữa, không còn là uống để giải đi cơn khát hay để thưởng thức cái hương vị tuyệt vời mà trà mang lại, thay vào đó, uống là để trở nên tao nhã, uống là để biến mình thành người sang, thành “người có chất”. Uống như vậy chẳng khổ lắm sao?. Tâm thế dùng trà như vậy khiến ta phải gồng mình, nâng chén trà mà căng thẳng như lực sỹ nâng tạ. Thế có khổ hay không?. Tôi nhớ cách đây hai năm, một bạn trẻ hỏi tôi một cách trong sáng: “em uống trà thì phải nghe nhạc gì?”. Ôi trời, sao lại “phải”, các bạn còn trẻ, sức vóc còn dài, năng lượng còn nhiều, các bạn cứ uống và cứ nghe âm nhạc của các bạn. Tại sao các bạn không nghe Pop hay Rock mà cứ phải gồng lên để nghe cái thứ âm nhạc già nua như chúng tôi làm gì?. Khổ lắm!. Các em ấy đã bị nhồi nhét vào đầu bao nhiêu thứ nhiêu khê, bao nhiêu lời thêu dệt về việc uống trà mà các em ấy lại không được cho biết về chính cái thứ nước các em ấy sẽ uống!. Có lần khác, tôi gặp một anh mua trà, tôi bảo “anh cứ thư thái pha các loại trà mà thử, có loại nào anh thích thì hãy lấy”, anh ta nhất quyết “không, tôi không uống thử, tôi chỉ nhìn là biết hương vị”, lại khổ nữa không?, trà chứ có phải tranh đâu phải không quý vị?. Tôi ngồi nói chuyện với mấy người, họ hỏi và tôi nói về việc tôi làm, nghe xong họ tâm đắc lắm, họ không ngớt lời vỗ về tôi, họ kêu họ yêu trà lắm và trân trọng những gì tôi làm vô cùng. Tôi biết ơn họ đã rộng rãi với tôi, nhưng tôi buồn khi hỏi “mọi người có thường uống trà hay không?” và câu trả lời tôi nhận được là “không”, ơ hay, sao không uống trà mà lại yêu được nó?, khi họ về tôi buồn lòng nói với “mọi người nói thế chứ tôi cá rằng ra ngoài kia khi vấp vào cơm-áo-gạo-tiền là mọi thứ của ngày hôm nay tan biến hết ấy mà”. Tôi xin thời gian của quý vị để hầu nốt mẩu chuyện này nữa thôi. Một chuyến công tác nọ, tôi gặp một trong những ông chủ của nhãn trà nổi tiếng lắm, tôi có mang theo trà mà tôi mới làm, một cô nhân viên được gọi lên pha, cô ấy rất đẹp, mặc chiếc quần short trắng và ngắn, thú thực là tôi hơi bị rung động, tôi thắc mắc: sao cái đùi và ống chân cô ấy lại có thể trắng và nối với nhau thẳng tắp như vậy?, rồi tôi lại diễu mình: ơ, nhưng ta là “trà nhân” kia mà, ta tao nhã, không thèm để ý. Bụng bảo dạ như vậy xong vẫn bồn chồn!. Cô ấy bắt đầu pha, pha loại trà tôi mới làm, pha như một diễn viên. Tôi trông là biết hỏng ấm trà, đến đây thì tôi thề, tôi đã quên cặp đùi, vì nếu tôi nhớ thì tôi đã không thể cáu với cô ta can tội làm hỏng ấm trà của tôi. Tôi hỏi “em có biết em vừa làm gì không?”, cô ấy trả lời “em pha trà”, câu chuyện tiếp tục với vài câu hỏi đáp: “em có biết em pha trà gì không? / em không / em không biết mà em cứ pha, pha như thật, pha như nghệ sỹ, hỏng ấm trà của tôi rồi. Ở nhà em có uống trà không? / dạ, em không uống trà, em chỉ biết pha trà thôi”. Trời ơi, quý vị nghĩ xem, nếu gặp một tay đầu bếp mà hắn nói “tôi không biết ăn ngon, tôi chỉ nấu ngon được thôi” liệu có ổn hay không?. Nhưng tôi biết lỗi không ở cô ấy, mà ở ông chủ của cô, người đã thêu dệt trong đầu óc một cô gái trong sáng với cặp đùi trắng và thẳng những động tác nhìn có vẻ nghệ thuật lắm, rằng pha trà mà không cần uống trà, như chính tôi mị mình rằng “mình là trà nhân mình không quan tâm đến một cặp đùi đẹp”. Vô tình người dùng trà cũng thành nói dối!.
Tôi không bình xét người dùng, thay vào đó tôi xin những người làm trà hãy suy nghĩ, do đâu mà những khách hàng của chúng ta trở nên khổ sở đến vậy khi nâng một chén trà?, uống trà khổ thế thì liệu họ có uống trà của chúng ta được mãi hay không?.
Mong cầu
Dông dài mãi đến đây, thoáng nhớ câu nói của triết gia Trần Đức Thảo mà chồn dạ: “Các anh tin tôi đi, mươi, mười lăm thế hệ nữa, chưa chắc đã xóa được cái nếp sống gian xảo, sống dối trá, sống cuồng, sống vội này. Bởi nó đã tự diễn biến thành một hình thức văn minh văn hóa mang nhãn hiệu “hiện đại” mất rồi. Khổ thế!”
Nhưng dù sao đi nữa, tôi mong chúng ta có thể làm lại và hãy bắt đầu từ chữ CHÂN.
Nguồn: Việt Bắc
Click Ngay