Được trồng ở độ cao 800-1.000 mét so với mực nước biển, với tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, bốn mùa mây phủ, nên cây chè Shan tuyết ở huyện Na Hang (Tuyên Quang) có mùi thơm rất đặc trưng, vị đậm, nước xanh. Chè Shan tuyết đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo chủ lực ở huyện vùng cao Na Hang.
Năm 2000, để phát huy tiềm năng, đồng thời thực hiện phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án trồng rừng bằng chè Shan tuyết. Đến nay, chè Shan tuyết huyện Na Hang được trồng tập trung ở 4 xã: xã Sinh Long, Hồng Thái, Thượng Nông và Sơn Phú, với tổng diện tích hơn 1.100 ha.
Ông Hoàng Phin, thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long, huyện Na Hang cho biết, gia đình tôi hiện có 22 ha chè Shan tuyết, mỗi năm cho thu trung bình 60 – 70 triệu đồng. So với trồng rừng bằng cây keo thì trồng rừng bằng chè Shan tuyết mang lại lại hiệu quả cao hơn nhiều. Cây keo trồng 7 đến 8 năm mới cho thu hoạch và chỉ thu hoạch một lần là hết phải trồng lại, nhưng nếu trồng rừng bằng chè Shan tuyết chỉ sau 3 năm là cho thu hoạch.
Còn anh Hoàng Dùng Hiấng, dân tộc Dao đỏ, thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long vui vẻ nói, cây chè ở đây ưa lạnh, sống trên núi cao. Búp chè sau khi chế biến có bông trắng như tuyết. Điểm đặc biệt là ngoài hương vị thơm ngon đặc trưng, chè Shan tuyết ở đây không gây cảm giác cồn cào khi đói bụng. Không những vậy, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều đảm bảo chất lượng chè sạch. Cũng theo anh Hiấng gia đình anh có 3 ha chè Shan tuyết và mỗi lứa chè hiện nay, gia đình anh Hiấng thu nhập được vài triệu đồng tiền bán chè búp tươi.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long, ông Hoàng Văn Phin, cây chè Shan tuyết được coi là cây trồng chính của địa phương. Chè Shan tuyết được trồng trên diện tích đồi núi trước thường bỏ hoang, vì đó mà cây chè đã giúp nhiều hộ thoát nghèo. Trước năm 2000, Sinh Long là xã nghèo nhất của huyện Na Hang với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80% nhưng nhờ có dự án, nhờ chè Shan tuyết mà tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 40%.
Nhận thấy giá trị và tiềm năng của vùng chè Shan tuyết, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Tuyên Quang cũng đã tìm đến đây hợp tác làm ăn với người trồng chè. Gần đây nhất, công ty cổ phần chè Sông Lô đã đầu tư dự án đầu tư cơ sở chế biến và phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất chè Shan tuyết tại xã Hồng Thái. Để người dân yên tâm gắn bó với cây chè, công ty cổ phần chè Sông Lô đã hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc chè…
Trước đó, năm 2009, công ty TNHH Việt Dũng (tỉnh Tuyên Quang) đã đầu tư cơ sở chế biến tại xã Sinh Long với giá trị hơn 3 tỷ đồng, đồng thời, thông báo giá thu mua chè búp tươi và hợp đồng tiêu thụ đến từng thôn, bản; trả ngay tiền khi cân chè nên các hộ trồng chè rất phấn khởi.
Ông Ma Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: Không chỉ đóng vai trò quan trong trọng trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, dự án trồng rừng bằng cây chè Shan tuyết còn được coi là mô hình xóa đói, giảm nghèo bền vững của huyện. Cũng theo ông Quyết, để tiếp tục phát huy thương hiệu chè Shan tuyết, tăng thu nhập cho người trồng chè huyện đang khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu, tuyên truyền và quản lý việc trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn chè sạch.
Vũ Quang Đán (TTXVN)
Click Ngay