TIN TỨC

Ướp và Đặt tên cho Trà

Sunday, 12/03/2017

I.Ướp Trà

Để cho Trà có hương vị đặc biệt, người ta lấy Trà mạn ướp với hoa Lài, hoa Sói, hoa Ngâu, hoa Cúc, hoa Sen, ướp sâm, mật ong … Về Trà ướp Sen, người ta ướp như sau, hái hoa sen hay mua hoa sen hái vào sáng sớm những ngày nắng ráo, tránh sau những ngày mưa, tách cánh sen ra, lải những hạt trắng đầu nhụy sen, tất cả trộn chung với Trà, rồi để vào trong cái hủ hay cái khạp đậy nắp kín trong một hay hai ngày cho nhụy sen quắn lại rồi mới đem ra sấy khô với nhiệt độ vừa phải, điều hòa để không làm mất mùi hoa sen. Có người công phu hơn, vào buổi chiều trước khi hoa sen tóp lại, người ta bỏ lá Trà vào hoa sen, hoa sen tóp lại tự nó ủ Trà suốt đêm, sáng hôm sau, chờ hoa sen nở ra thì thu lấy Trà lại, như thế được Trà ướp sen.

quy_trinh_lam_che_uop_hoa_lai

Trà ướp hương Lài.

II. Các loại danh trà

Người ta đặt tên các thứ Trà tùy theo địa danh, nguyên cớ …

Trà Ô Long (Oolong) của Trung Hoa cũng gọi tên là Hắc Long, giai thoại kể rằng trong dịp tình cờ người ta tìm ra giống Trà này, thấy có con rắn đen cuộn vòng quanh gốc cây Trà, vì Rắn và Rồng cùng loại nên lấy tên là Hắc Long.

Trảm Mã Trà, có thuyết cho rằng trong một buổi yến tiệc của cung đình dưới triều đại Từ Hy Thái Hậu, khi người đầu bếp sắp sửa pha trà, mới phát hiện ra một con ngựa sút chuồng đã ăn sạch tất cả Trà, không còn cách nào hơn là họ giết ngay con ngựa, mổ bụng lấy Trà ra pha cho Thái Hậu và các quan dùng, không ngờ hương vị Trà thơm ngon đặc biệt, được Thái Hậu khen thưởng, thế là từ đó có Trảm Mã Trà. Ở vùng Vũ Di sáng sớm người ta thả ngựa cho ăn Trà, khi nó ăn no rồi chặt đầu, mổ bụng lấy Trà.

Hầu Trà, có loại Trà mọc hoang nơi núi cao đá dựng, con người không thể hái, người ta huấn luyện cho khỉ hái Trà ngon này nên gọi là Hầu Trà

Thanh Nữ Trà, có thuyết cho rằng vùng Trà ngon, người ta cho các cô gái tuổi độ 13, mặc áo rộng, trôn áo cột vào người, hái Trà xong bỏ vào trong áo, khi làm việc mệt nhọc, mồ hôi thoát ra ướt cả áo và Trà, dùng luôn áo ấy cuốn Trà lại để ủ nên có tên là Thanh Nữ Trà.

Trinh Nữ Trà, theo Hoàng Duy Anh đăng trong tạp chí Chọn Lọc, là loại Trà đặc biệt của Nhật, theo các nhà viết sử thì Trà này xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 16, tại đảo Oki Shima, hồi đó có một Sứ quân cai quản đảo này, ông là người sành uống Trà. Một hôm đi ngang qua trái đồi, ông thấy có Trà hoang mọc, liền cho gia nhân hái về đầy một sọt. Về nhà ông cho đem vào bếp, pha uống thử thấy khá ngon, ông bèn cho để vào một góc bếp để pha uống dần. Một hôm cũng Trà ấy, ông uống cảm thấy mùi vị rất lạ và rất ngon, khác hẳn mọi ngày, ông thân hành xuống bếp tìm hiểu, mới biết đêm vừa qua, con a hoàn làm việc mệt nhọc ngủ luôn trong bếp gần sọt Trà, không biết vì sao sọt Trà lại đổ ra và nó đã nằm ngủ trên đống lá Trà. Ông khám phá ra, chính thân con a hoàn là hương vị đã ướp Trà thêm thơm ngon, sau đó ông sai gia nhân hái thêm Trà và cho con a hoàn ngủ trên đống Trà, tạo nên hương vị đặc biệt, từ đó có Trà Trinh Nữ.

Trà Vũ Di Sơn, do hai anh em ông Vũ, ông Di tìm ra loại Trà này, tương truyền rằng sau khi tìm ra loại Trà ngon này, hai ông bán hết tài sản, dọn nhà vào trong núi ở gần khu có Trà, để được sớm hôm thưởng thức Trà này, nên người Trung Hoa lấy tên hai ông đặt tên cho núi là Vũ Di, và Trà này có tên là Trà Vũ Di Sơn.

tra-long-tinh-trung-quoc

Trà Thiết Quan Âm 鐵 观 音 茶 (Tie Guan Yin) như trên đã đề cập, tương truyền Đạt Ma Tổ Sư khi ngồi thiền ở núi Thiếu Thất, thường bị buồn ngủ, ngài cho là tại mí mắt sụp xuống, nên ngài lấy dao cắt bỏ mí mắt rồi liệng vào trong bụi rậm. Ít lâu sau nơi bụi rậm đó, đêm đêm có hào quang chiếu sáng, các đệ tử tìm thấy bụi Trà mới mọc lên cành lá tươi tốt, bẻ lá đem nấu nước uống thử thấy có mùi thơm ngát, vị ngọt, tinh thần phấn khởi. Từ đó lấy lá Trà nấu nước cúng Phật gọi là Trà Thiết Quan Âm (“thiết”đồng nghĩa với “trà”, do người Tây Nam đất Thục gọi)

Trà Long Tỉnh 龍 井 茶 (Dragon well- giếng rồng) là loại Trà trồng ở Long Tỉnh, tỉnh Chiết Giang.

Trà Trùng Diệp, ngày xưa vào đầu Xuân lá trà non mọc, các Thiền sư, đạo sĩ sành uống Trà đến núi Ly thuộc huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây, tìm các lá Trà non bị sâu làm tổ, mang về chế biến, đặt tên là Trà Trùng Diệp. Còn nếu gặp phân của sâu ăn lá Trà quí đem chế biến, được đặt tên là Trà Trùng Xí, như Cà-phê cức chồn ở xứ ta vậy (con chồn lựa ăn những trái cà-phê chín, thật ngon, ăn vào bụng nó chỉ tiêu hóa lớp vỏ ngoài, hột bên trong vẫn còn nguyên, gom nhặt các phân chồn nầy rồi rang ướp thành cà-phê thượng hảo hạng)

Trà Đại Hồng Bào, trồng trên núi Vũ Di, theo truyền thuyết một vị hoàng đế nhà Đường tỏ long biết ơn cây Trà đã chữa lành bệnh cho Thái hậu, vị hoàng đế ấy ban bốn áo hồng bào đủ lớn, để bao bọc quanh bốn thân cây Trà quý ấy, nên được gọi là Trà Đại Hồng Bào.

Se-Duyen-tra-cung-hoa-buoi-thang-3-25

Theo nhận xét chung của những người sành điệu uống Trà, lọai bạch trà tuyệt hảo của Trung Hoa ngày nay là Bạch Mẫu Đơn của tỉnh Phước Kiến. Thanh trà thượng hạng gồm có Trà Long Tỉnh, trồng tại làng Long Tỉnh, gần Hồ Tây, tỉnh Chiết Giang và Trà Vân Sơn trồng trên vùng núi non hiểm trở của tỉnh Quảng Tây. Trà Ô long nổi tiếng nhất là Trà Thiết Quan Âm và Trà Vũ Di Sơn. Riêng Trà Vũ Di Sơn lại có đến bốn loại nổi tiếng theo thứ tự từ thượng thặng cho đến hảo hạng: Bạch Kê Quan (Bai Ji Guan), Đại Hồng Bào (Da Hong Pao), Thiết La Hán (Tie Luo Han) và Thủy Kim Qui (Shui Jin Gui).

Ngày nay người ta đặt tên cho Trà theo số, ví dụ: 103, 113, 303, 913 ……

 

Tại nước ta, ở tỉnh Bắc Thái và Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng trồng nhiều Trà, danh tiếng là Trà móc câu. Bên cạnh Trà Tàu còn có Trà tươi, Trà mạn, lá và nụ vối. Trà tươi có vị chát đặc biệt của lá Trà già. Đối với người uống Trà sành điệu thì Trà tươi thiếu vị êm ái, ngọt ngào của các lá Trà non mởn. Tuy vậy, khá nhiều người bình dân Việt Nam ưa chuộng lối uống Trà tươi, một phần vì giá rẻ, một phần vì vị chát đặc biệt của nó. Những năm gần đây, các nhà sản xuất Trà tại Việt Nam còn chế biến Trà tươi khô để thích hợp với nhu cầu xuất cảng.

 

Ngoài ra còn có Trà mật vịt là Trà xanh pha đậm đặc như mật con vịt, Trà hạt là nụ Trà phơi khô, Trà bồm hay Trà bánh là Trà của lá Trà già khi người ta chặt cây, hái những lá Trà này nó không ngon vì không hương vị, Trà Huế là danh từ của người Miền Nam dùng khi pha loại Trà bồm hay Trà bánh, bỏ thêm chút gừng, khi rót ra chén lớn hay tô, để bình trên cao, rót cho sủi bọt, Trà Huế bán các chợ, ở khu có nhiều công nhân làm việc, cần uống để giải khát. Đất miền Nam không thích hợp để trồng Trà, cho nên người ta uống Trà Huế như người Bắc và Trung uống Trà tươi vậy.

 

Theo Tổng công ty trà Vinatea (Trà Việt Nam) từ năm 2000, toàn quốc có 124 cơ sở xuất khẩu Trà và 43 quốc gia khách hàng. Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất Trà nhiều nhất trên thế giới, sản lượng 327 ngàn tấn Trà khô/năm.

 

Theo The World Book Encyclopedia thì Ấn Ðộ là nước đứng đầu trên thế giới sản xuất Trà hằng năm khoảng 700 ngàn tấn, kế đến là Trung Hoa 500 ngàn tấn, đứng hàng thứ ba là Sri Lanka 214 ngàn tấn, Nga 160 ngàn tấn. Tổng cộng số Trà sản xuất hằng năm lên đến 2 triệu 300 ngàn tấn. Anh Quốc là nước nhập cảng Trà nhiều nhất trên thế giới khoảng 180 ngàn tấn mỗi năm.

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay