TIN TỨC

Văn hóa Trà Đá vỉa hè

Wednesday, 08/03/2017

Chè chén là thức uống bình dân và phổ biến ở Hà Nội. Nhiều người bảo khách phương xa về thăm Thủ đô mà chưa ngồi vỉa hè uống chén nước chè thì coi như… chưa đến Hà Thành. Bởi chè chén ở đây có cái gì đó vừa gần gũi, thân quen, vừa mang nét riêng đặc trưng của đất Tràng An.

van-hoa-tra-da-via-he

Chè chén vỉa hè có xuất xứ từ quán nước gốc đa ở ven những tỉnh lộ thời xưa, thường bán nước chè tươi và nước vối nóng. Theo thời gian cũng có chút thay đổi. Gọi là quán nhưng chỉ có cái bàn con con tự chế bằng gỗ, vài chiếc ghế nhựa, dăm, bảy cái chén, một ấm tích pha chè, hộp kẹo, phích nước sôi… cùng chiếc điếu cày làm bằng tre lên nước bóng lộn. Những quán như thế dần dần xuất hiện khắp các hè phố Hà Nội, ở bến tàu, bến xe, gần các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, chung quanh những khu phố chợ và trở thành loại ‘quán giải khát’ của mọi người. Ở đây, ranh giới về tuổi tác, sự khác biệt về nghề nghiệp, vị trí trong xã hội bỗng nhạt nhòa, tự nhiên như chính bản chất vốn có tự bao giờ của chè chén. Thời gian dừng lại để vào quán có thể là sau bữa ăn sáng, trước khi tiếp tục công việc còn dang dở đầu giờ chiều hay đơn giản là đang chờ đợi ai đó… Chén nước chè mang hương vị chan chát, ngòn ngọt. Những ngày hè nóng bức, tạt vội vào quán, nhâm nhi chén chè, cái oi bức dường như dịu hẳn. Người thì vừa uống chè vừa trò chuyện với nhau, người thì ngồi một mình lơ đãng ngắm phố phường…, nhưng đều là sự sẻ chia và tôn trọng. Uống chè chén vỉa hè thật thú vị, được nghe chuyện phố phường, với ‘từ vựng sinh viên’, ‘từ vựng xe ôm’, ngắm người qua đường chậm rãi, với một nụ cười, một bờ vai thon thả…

hanoitradaviahe

Buổi sáng Hà Nội thật yên ả. Trong khi nhiều cụ ông, cụ bà thư thái với các động tác thể dục dưỡng sinh dưới các vòm cây vừa ‘tỉnh giấc’ sau đêm dài thì những người bán hàng quán bắt đầu lục tục chuẩn bị cho ngày mới. Bất kể mưa hay nắng, ngày nào quán nước chè của bà Tim (gần 70 tuổi) trên phố Tô Hiến Thành cũng dọn ra từ sớm. Ngoài một số vật dụng đơn sơ để bán nước, bà không quên mang theo một túi thóc để… nuôi đàn chim sẻ. Bày biện hàng xong, rót cho khách chén nước, bà lặng lẽ vãi một nắm thóc dưới gốc cây xà cừ. Có lẽ chim sẻ đã quá thân thuộc với bà nên sà ngay xuống mổ thóc. Nhìn bộ quần áo giản dị, chiếc nón cũ mèm, ánh mắt hiền hậu nhìn những chú sẻ bé bỏng, thấy sự quan tâm của bà với lũ chim sẻ như một điểm sáng trong ‘bức tranh’ muôn mầu về Hà Nội. Bà Tim bộc bạch: ‘Tôi chỉ mong sức khỏe ổn định để bán hàng, không phải là đặt nặng miếng cơm manh áo mà lo cho lũ chim. Tôi bán nước chè ở đây đã gần 20 năm, giờ mà nghỉ thì nhớ lắm’.
Khác với bà Tim, chị Nhung (quê Nam Ðịnh) mở quán nước chè trên đường Trần Khánh Dư, lại nặng gánh mưu sinh. Tay thoăn thoắt pha chè, chị cho biết đã mở quán này gần chục năm. Trước đây chị là công nhân của công ty may, do sức khỏe yếu nên xin về hưu ‘non’ rồi lên đây thuê nhà ở, bán chè chén. Quán nước chè giúp chị có thêm thu nhập. ‘Nếu chịu khó làm từ sáng đến tối, chi tiêu tằn tiện thì cũng không đến nỗi nào, có thêm chút tiền gửi về quê cho các cháu ăn học em à’, chị chia sẻ. Trò chuyện với chị, nỗi nhớ một thời khốn khó lại ùa về trong tâm trí tôi. Thời bao cấp, mẹ tôi cũng bán chè chén. Lúc đó, được theo mẹ bán hàng cạnh Cung Văn hóa Thanh niên là một niềm vui đối với tôi. Bởi còn nhỏ, tôi nào đã biết phụ giúp mẹ việc gì, cứ hồn nhiên tung tăng, đâu hiểu được những vất vả, nhọc nhằn mẹ từng nếm trải để nuôi chúng tôi khôn lớn. Trong nắng sớm, bên quán nước chị Nhung, tôi chợt thấy khóe mắt cay cay…

 

Cuộc sống thay đổi từng ngày, giờ đây giới trẻ năng động hơn rất nhiều. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, nhiều bạn đã tự lập, và quán nước chè cũng là một hướng ‘kinh doanh’ để họ thử sức. Phương Thảo, sinh viên Trường ÐH Thương mại, chủ quán nước chè trên đường Lê Quý Ðôn cho biết, việc bán hàng không phải chịu quá nhiều áp lực về thời gian và cũng không đòi hỏi nhiều vốn. Trong thời gian nghỉ hè, mở quán cũng là cách để bọn em được giao lưu, gặp gỡ nhau thường xuyên và để dành được một khoản tiền chuẩn bị cho năm học mới. Cách họ thưởng thức cũng khác hơn, dẫu các hàng quán vẫn ‘món tủ’ là chè mạn nhưng biến tấu đi đôi chút với lát chanh, thìa đường, viên đá lạnh, thêm đĩa hạt hướng dương, dăm ba loại quả theo mùa… Và những câu chuyện rôm rả có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ.

 

Ði quanh khu ký túc xá Mễ Trì, phố Nhà Thờ, khu Mỹ Ðình… vào buổi tối tôi thấy nhiều bạn trẻ ngồi tán gẫu bên chén chè cùng những thiết bị công nghệ hiện đại như máy tính xách tay, iPhone, iPad… đúng là thời buổi công nghệ thông tin. Tôi cứ tưởng quán nước chè giờ cũng lắp wifi để theo kịp thời đại. Giải đáp thắc mắc của tôi, Hà – một cô bé xinh xắn trong quán nước trên đường Lê Quang Ðạo lém lỉnh nói: Không phải quán nước chè có dịch vụ wifi đâu, bây giờ in-tơ-nét không dây có ở khắp nơi mà chị. Ngồi quán nước vỉa hè, tự do ngắm người qua lại, hưởng trọn không khí phố phường mà vẫn cập nhật được thông tin từng giờ, thú vị lắm chị ạ…

 

Chè chén vỉa hè Hà Thành đáng nhớ là vậy, nhưng có một thực tế là một số quán giờ đây đã biến tướng. Và cùng với đó là nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, là những bảng ghi lô đề, là điểm ‘phát sóng’ của kênh cá độ và không ít tệ nạn xã hội… Một số người bán hàng vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả, làm méo mó đi hình ảnh chè chén vỉa hè Hà Nội. Kỳ thi đại học vừa qua, nhân đưa người cháu ở quê lên đi thi, dừng chân nghỉ ở quán nước chè gần một trường đại học, thấy bà chủ quán (trạc ngoài 40 tuổi) bán cốc trà đá với giá tăng gấp hai, thậm chí gấp ba lần so với giá chung hai nghìn đồng/cốc, tôi cứ thắc mắc mãi. Giữ nguyên giá thì trong những ngày này lượng tiêu thụ tăng lên đáng kể, họ thu nhập đã hơn hẳn ngày thường. Có cần thiết phải ‘làm giá’ như vậy không, bởi phần lớn phụ huynh ở các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội đâu dư dả gì?

 

Tôi chợt vô tình so sánh cái mới với cái xưa cũ, cảm nhận được từng bước đi của thời gian, một cảm giác chênh vênh lạ kỳ…

Nguồn: NhanDan

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay