TIN TỨC

Trà bẩn “vươn vòi” khắp nơi

Sunday, 12/03/2017

Từ những cơ sở của Dũng Linh, bà Hồng, bà Nhung, trà bẩn và trà kém chất lượng ung dung đến với các nhà máy chế biến, ướp hương tại Bảo Lộc và nhiều tỉnh thành khác. Sau đó, “sản phẩm” này lại tiếp tục được đấu trộn một lần nữa rồi mới len lỏi “vươn vòi” ra khắp các thị trường trong nước.
Theo lời bà Hồng, hiện cơ sở sản xuất của bà có 5 – 6 mặt hàng trà đen với giá từ 21 – 30 ngàn đồng/kg. Cơ sở sản xuất của bà Hồng có quy mô tương đối lớn tại Bảo Lộc với lượng trà đen thành phẩm xuất bán khoảng 5 tấn/ngày. Hàng chủ yếu được giao cho các công ty lớn tại Bảo Lộc. Đặc biệt, “mối ruột” của bà Hồng là Công ty CP chè Lâm Đồng.

tra-ban-o-b-lao-lam-dong11
Ngoài ra, bà Hồng bán cho các mối hàng nhỏ lẻ khác. Phải mất nhiều ngày, chúng tôi bám đuôi theo nhiều xe mới tiếp cận được những cơ sở và công ty tiêu thụ lại loại trà bẩn này.

Trong những ngày làm công nhân tại cơ sở bà Hồng và cả quá trình điều tra, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều lần xe của Công ty CP Chè Lâm Đồng đến xưởng bà Hồng bốc hàng và chở về Nhà máy Chè 19 – 5 (trực thuộc Công ty CP Chè Lâm Đồng) tại phường Lộc Sơn, Bảo Lộc. Có những ngày xe của Công ty này tới xưởng bà Hồng bốc trà 2 lần.

Tương tự, nguồn hàng của bà Hồng còn được bán cho Công ty Nam Thành (phường Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc). Đây là Công ty chuyên đấu trộn trà thành phẩm các loại.

Ngày 10/7, xe tải của Công ty này xuống bốc hàng tại cơ sở của bà Hồng. Trà chủ yếu được đóng trong các bao màu trắng theo quy cách 35 – 45kg/bao. Một công nhân tên N. cho biết: “Công ty chủ yếu mua các loại chè xô, trà thành phẩm để sơ chế lại và đấu trộn lẫn vào nhau. Mỗi ngày, xe nhà đi chở vài chuyến ở khắp nơi mang về, có cả xe phía Bắc đưa hàng vào. Có đủ các loại từ trà cọng, trà buồm và trà đen được đấu trộn theo tỷ lệ do ông chủ đưa ra. Trà loại 1 trộn lẫn với loại 2 hoặc trà cám, trà cọng trộn thêm vào các loại trà tốt khác. Tại đây, trà đủ loại với giá bán thì vô chừng. Nhà máy này có vài chục công nhân trộn trà làm việc liên tục, không ngưng nghỉ, kể cả lễ tết. Cứ vài ngày, Công ty Nam Thành lại xuất bán một Container hàng đi các tỉnh”.

tra-ban-o-b-lao-lam-dong11

Ngay sáng 5/8, khi những thông tin về việc sản xuất trà bẩn tại cơ sở bà Hồng xuất hiện trên mặt báo, vẫn có xe BS 49X – 5420 vào bốc hàng tại cơ sở bà Hồng. Đến trưa cùng ngày, xe tải mang BS 49C – 044.31 chở “hàng” từ cơ sở bà Hồng ngược về xưởng phía sau nhà của Dũng Linh trên đường Trần Phú. Còn tại cơ sở của Dũng Linh, nguồn hàng chủ yếu được các cơ sở trà ướp hương tại Bảo Lộc mua lại.

Khi chúng tôi đặt vấn đề mua loại bã trà xanh không độ, bà Linh (vợ ông Dũng) cho rằng thời gian gần đây không có hàng vì cơ quan chức năng siết chặt quản lý. Hiện, bà chỉ có loại trà cọng và trà cám. Bà cũng nói trước đây có mua loại bã trà xanh về bán lại cho các cơ sở sản xuất khác để làm trà ướp xác, nhưng do họ làm ăn “bậy bạ” nên bà không bán nữa (?!).

Một tài xế trước đây chuyên chở hàng cho bà Linh xác nhận: Trước đây, hầu như tháng nào bà Linh cũng có nhập bã trà về.
Để tiếp cận các “bạn hàng” của cơ sở Dũng Linh, chúng tôi đã theo đuôi nhiều xe chở hàng qua nhiều ngõ ngách ngoằn ngoèo nằm sâu trong các khu dân cư ở Bảo Lộc. Các loại trà phế phẩm từ cơ sở Dũng Linh được rất nhiều “vòi bạch tuộc” ướp hương tại phường B’Lao, Lộc Phát, Lộc Sơn, Đại Lào và các tỉnh Miền Tây… mua về để đấu trộn.

tra-ban-o-b-lao-lam-dong11

Ông V. (phường B’Lao) sau khi nhập một xe hàng từ xưởng của bà Linh về đã chào giá với chúng tôi loại trà cám là 13 ngàn đồng/kg và trà cọng là 11 – 13 ngàn đồng/kg tùy từng loại lớn hay nhỏ. Theo ông V., cơ sở của ông chủ yếu mua đi bán lại kiếm lời chứ không đấu trộn và ướp hương trực tiếp.

Còn tại cơ sở của bà Nhung, mỗi khi có hàng trà cám về, xe tải của nhà bà Nhung trực tiếp bốc hàng từ xe tải lớn (không bỏ xuống kho, hoặc bỏ rất ít) mang đi giao lại cho các cơ sở khác như T.Đ (phường Lộc Tiến) hay nhà máy sản xuất trà V.D (dốc Ánh Mai, xã Lộc Châu), cơ sở của ông L (gần dốc Đỗ Hữu, phường Lộc Tiến). Ngoài ra, từ cơ sở này, trà bẩn còn được bán trực tiếp về Bình Dương, TP Hồ Chí Minh để đóng gói thành phẩm hoặc sản xuất trà túi lọc.
Với mạng lưới phân phối và tiêu thụ rộng khắp như vậy, các loại trà loại thải qua mỗi công đoạn lại được phù phép để qua mặt người tiêu dùng. Với “công nghệ” đấu trộn như vậy thì rất khó để phát hiện. Loại trà đen đấu trộn này chủ yếu được dùng để ướp hương. Nếu là ướp hương hoá học thực phẩm thì tỷ lệ trộn có thể ít hơn, nhưng nếu ướp bằng hương hoá học công nghiệp thì tỷ lệ trộn là vô chừng. Loại hương liệu này sẽ lấn át mùi đặc trưng của bã trà xanh hoặc trà phế phẩm.

Trong khi đó, theo một chủ trại hòm tại Bảo Lộc, cách nói dùng trà này để ướp xác chủ yếu để qua mắt dư luận. Trên thực tế, trà ướp xác được sử dụng là các loại trà buồm hoặc trà cám vốn có rất nhiều tại địa phương và còn giữ được mùi đặc trưng của trà. Chẳng ai “dại gì” mà đưa bã trà trở lại “xứ trà” chỉ để dùng ướp xác, trong khi giá trị kinh tế lẫn giá trị sử dụng không đáng bao nhiêu. (còn tiếp)

Nhóm Phóng viên Báo Lâm Đồng

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay