I. Thiền Trà
Hình thức uống trà trong các thiền viện gọi là Thiền Trà. Các Thiền sư thường uống trà trước các thời công phu sớm chiều, để cho thân và tâm được thanh tịnh, giúp cho buổi hành thiền được mỹ mãn.
Ngày nay, như chủ trương của Sư Ông làng Mai “làm mới đạo Phật”, nhiều buổi Thiền Trà trong các chùa Việt Nam trên thế giới, được tổ chức theo quy cũ thiền môn của Làng Mai, cho nên tốt nhất chúng ta đọc tài liệu do Làng Mai phổ biến để được hiểu biết chính xác nhất:
“Thiền trà là cơ hội để trân quý sự có mặt bên nhau trong tình đạo và trong tinh thần hòa hợp. Thiền trà là một nghi lễ. Trà chủ, trà khách và người pha trà ai cũng thực tập chánh niệm trong từng cử chỉ và trong từng giây phút. Vị trà chủ và người pha trà (gọi là trà giả) là những vị đã từng được huấn luyện trong nghệ thuật làm trà chủ hay pha trà: cách đi đứng, cách dâng hương, cách pha trà, truyền bánh… đều biểu lộ chánh niệm, tỏa chiếu sự an lạc và thảnh thơi. Trà khách cũng được hướng dẫn thực tập trong vòng hai mươi phút trước khi tham dự vào buổi thiền trà.
Sau phần đón chào, dâng hương và lạy Bụt, mọi người ngồi xuống thành một vòng tròn, theo dõi hơi thở chánh niệm giống như trong một buổi thiền ngồi. Ta có thể theo dõi những động tác của người trà giả và thở trong chánh niệm, an trú trong giờ phút hiện tai. Trà và bánh đã dâng lên Bụt, khay bánh và trà được chuyền đi trong chánh niệm với búp sen chắp tay và nụ cười.
Sau lời mời của vị trà chủ, mọi người nâng chén trà lên và cùng uống trà và ăn bánh trong chánh niệm. Chỉ một chén trà và một chiếc bánh con cũng đủ tạo cho mọi người niềm an lạc hạnh phúc trong một hoặc hai tiếng đồng hồ.
Xem thêm:
Phương pháp thiền khi uống trà
TRÀ VÀ THIỀN – THUỐC CỦA CUỘC SỐNG PHẦN 2
TRÀ VÀ THIỀN – THUỐC CỦA CUỘC SỐNG PHẦN 1
Sau mươi phút uống trà và ăn bánh im lặng trong chánh niệm, vị trà chủ sẽ mời mọi người chia sẻ niềm vui và kinh nghiệm tu học. Ta có thể kể một câu chuyện, hát một bài hát, ngâm một vài câu thơ hoặc đàn một bản nhạc để giúp cho buổi thiền trà thêm ý vị. Khung cảnh chánh niệm đuợc duy trì cho đến phút chót khi vị trà chủ và các vị trà giả cảm ơn và tiễn đưa mọi người ra tận cửa trà đường.”
Khi tham dự một buổi Thiền Trà, hai tay nâng chén trà, hát bài thi kệ, chúng ta mới cảm nhận được cái thanh tịnh của Thiền Trà: Chén Trà trên hai tay / Chánh niệm dâng tròn đầy / Thân và tâm an trú / Bây giờ và ở đây.
II. Trà Đạo
Thiền sư Eisai Zenji (1141-1215) có công rất lớn trong việc phát triển thuật uống trà tại Nhật Bản. Khi trở về nước năm 1191, thiền sư Eisa được Sanetomo, sứ quân thứ ba của dòng Kamakura cho triệu vào cung để trị bệnh cho vị lãnh chúa này bằng bùa chú và cầu an.
Thay vì đáp ứng lời yêu cầu trên, thiền sư Eisai trình lên Sanetomo một luận thuyết mang tựa đề “Chú Giải về Dược Tính của Trà” và một ít trà bột, nói rằng những thứ này còn hiệu nghiệm hơn thần chú và cầu an. Sau một thời gian uống trà, sứ quân Sanetomo bình phục.
Ông rất đỗi vui mừng và trân trọng giới thiệu trà đến những người dưới trướng. Sau đây là một đoạn trích từ luận thuyết: “Trà là một vị thuốc thần diệu cho dưỡng sinh; trà là bí quyết của trường sinh. Trà mọc lên từ các sườn núi như biểu hiện tinh thần của đất đai. Những ai hái và uống trà chắc chắn sẽ sống lâu. Ấn Độ và Trung Hoa đều xem trọng trà. Trong quá khứ, người nước ta đã từng ưa thích trà. Từ trước đến sau, trà vẫn mang những phẩm tính quý hiếm. Do vậy, chúng ta nên sử dụng trà một cách quảng đại hơn…”.
Cuộc vận động toàn quốc uống trà của Thiền sư Eisai đã mang lại một lợi ích lớn lao cho sức khỏe dân Nhật từ đầu thế kỷ 13. Sau công cuộc cổ vũ này, các thiền sư My oe Shonin (người phục hồi Hoa Nghiêm Tông tại Nhật), Eison, và Dogen (tổ sư phái Thiền Tào Động tại Nhật) cũng đã đóng góp nhiều trong sự hình thành Trà đạo.
Dần dần Trà xanh tán nhuyển được phổ biến ở Nhật, khi đó Thiên Lợi Hưu (Sen-Rikyu) có ý muốn phối hợp Thiền trà của các Thiền sư với sự dùng Trà của người Nhật, do đó ông đi học hỏi cách pha Trà, uống Trà và cuối cùng đặt ra những cung cách uống Trà, ông lập nên Trà đạo của Nhật Bản. Tài liệu sau đây lấy trong sách “Phong tục tạp quán các nước”, cho chúng ta biết khái quát về Trà đạo, tuy ngắn gọn nhưng cũng tạm đủ:
“Những người Nhật thích uống trà thường thành lập những nhóm nhỏ, chọn ngày mời nhau cùng thưởng thức. Số người tham gia mỗi lần không vượt quá 4 người và hoàn cảnh tổ chức một buổi trà đạo cũng có những quy định đặc biệt. Những gia đình khá giả thường cho xây ba căn phòng nhỏ trong vườn riêng nhà mình, hai phòng nối liền nhau, trong đó một phòng là phòng trà – nơi tổ chức trà đạo, phòng kia đặt than, bộ đồ trà và vòi nước.
Phòng còn lại là nơi nghỉ ngơi của khách, phải cách hai phòng kia một khoảng nhất định. Trong vườn có những con đường nhỏ lát đá, quanh co với hai bên trồng hoa và cây cảnh làm cho không gian trong vườn yên tĩnh và thanh nhã. Bố trí trong phòng trà cũng rất được chú ý. Thông thường là treo tranh của các danh họa nổi tiếng, có hoa cắm nghệ thuật để khách mời được thưởng thức nghệ thuật mang hương sắc cổ kính.
Thời gian tổ chức trà đạo chia ra làm 4 loại: trà sáng (7h sáng), sau ăn cơm (8h sáng), giữa trưa (12h trưa) và câu chuyện buổi tối (6h tối). Khách mời đúng giờ đến phòng nghỉ, gõ vào chiếc chuông gỗ báo hiệu đã đến. Chủ nhà nghe tiếng chuông sẽ từ phòng trà ra đón khách. Trước cửa phòng trà có đặt một chiếc cối đá đựng đầy nước, khách phải rửa sạch tay trước khi vào phòng. Cửa ra vào có một ô cửa cao gần 3 thước để khách tháo giày đi vào. Khi bước vào phòng phải khom mình tỏ ý khiêm tốn.
Nếu khách là võ sĩ thì phải tháo kiếm trước mới được bước vào để biểu thị không khí hòa bình. Trong số khách, người tinh thông trà đạo được cử làm người chủ trì. Người chủ trì, xưa kia phải cạo trọc đầu để biểu thị sạch sẽ, thanh khiết. Trong phòng trà, một góc chiếu có đặt bếp lò và nồi nước bằng gốm, trước bếp đặt bộ đồ trà. Bộ đồ trà phải thô, nặng có men màu cam hoặc đen đậm dáng vẻ cổ kính.
Trong khi chủ nhân đun nước thì khách dùng điểm tâm. Món điểm tâm này hết sức tinh tế phải được làm căn cứ vào thời tiết. Ví dụ: tổ chức trà đạo vào mùa thu thì món điểm tâm phải làm giống như lá phong hoặc hoa cúc. Trà để pha là loại bột trà xanh được chế biến cẩn thận bằng cách giã nát trong cối đá – người Nhật gọi là nghiền trà.
Có hai cách pha trà: pha đặc và pha loãng.
Nhưng đôi khi còn một nghi lễ cao hơn là ăn cơm thường sau khi uống trà. Tuy gọi là cơm thường nhưng cũng thịnh soạn.
Trà đạo đã hình thành nhiều trường phái khác nhau, chủ yếu có ba trường phái lớn là: Risenka, Hyosenka và Bushakoro Senka. Mỗi nhà đều theo chế độ gia truyền – tức là con thường kế nghiệp bố làm người chủ trì trà đạo của gia đình đó.
Chỉ một ly trà xanh nho nhỏ nhưng với người Nhật nó lại như một ốc đảo trong tâm hồn. Họ cho rằng thông qua trà đạo có thể phát hiện được giá trị tinh thần cần có của bản thân. Có người dùng 4 chữ “hòa, kính, thanh, tịnh” để khái quát tinh thần cơ bản của trà đạo. “Hòa” là hòa bình; “kính” là tôn trọng người trên, yêu thương bè bạn, con cháu; “thanh” tức là thanh tịnh, thanh khiết; còn “tịnh” là giới hạn mỹ học cao nhất của trà đạo: an nhàn.
Trà đạo ngày nay càng phổ biến hơn ở Nhật Bản, rất nhiều cô gái trẻ dồn tâm sức học tập trà đạo, tu nhân dưỡng tính để cuộc sống gia đình cũng như cuộc sống tinh thần phong phú và đẹp đẽ hơn.”
-> Theo Hoanluu Blog tìm hiểu thì trà đạo ngày nay càng phổ biến hơn ở Nhật Bản, rất nhiều cô gái trẻ dồn tâm sức học tập trà đạo, tu nhân dưỡng tính để cuộc sống gia đình cũng như cuộc sống tinh thần phong phú và đẹp đẽ hơn.”
Click Ngay