TIN TỨC

6 Cách phân biệt trà Phổ Nhĩ ngon

Tuesday, 02/05/2017

Trà Phổ Nhĩ là nhóm trà có thể nói là đắt đỏ nhất thế giới vì 2 lý do.

Thứ nhất là trà Phổ Nhĩ thường được làm từ giống trà cổ thụ (có thể trồng hoặc mọc hoang).

Thứ hai là do Trà Phổ Nhĩ lên men trong nhiều năm (như rượu vang), nên những bánh trà càng nhiều tuổi thì lại càng đắt. Chính vì được giá nên không ít người làm trà tìm đủ mọi cách để làm giả hay nhẹ hơn là đưa thông tin sai lệch để bán với giá trên trời. Sau đây là kinh nghiệm riêng của người viết để đánh giá Phổ Nhĩ tốt.

Bài viết liên quan đến trà Phổ Nhĩ

6 Cách phân biệt trà Phổ Nhĩ ngon

Vì sao bánh trà Phổ Nhĩ luôn được đóng gói 357gr?

Hướng dẫn phân biệt Trà Phổ Nhĩ

Nguồn gốc của mùi nếp trong trà phổ nhĩ nếp

Tìm hiểu về trà Phổ Nhĩ Kim Hoa

Nguồn gốc của mùi nếp trong trà phổ nhĩ nếp

Mê cung trà Phổ Nhĩ xách tay và những điều bạn chưa biết

Tìm hiểu về cùng trà phổ nhĩ Băng Đảo

Hắc trà (hēichá后发酵茶) và trà Phổ Nhĩ

Tản mạn về trà PHỔ NHĨ

Lưu ý là uống trà là theo gu nên có thể bạn sẽ có cách đánh giá khác, và ý kiến cùng với quan điểm cá nhân thì không luôn luôn đúng.

banh-tra-pho-nhi

Cánh trà phổ nhĩ.

Đánh giá bằng hương vị

Mùi Hương

Mùi hương thường là cách chính để đánh giá trà nhưng đối với Phổ Nhĩ thì không hẳn là quan trọng nhất. Trong một số ít vùng trà mà người viết thử qua thì trà đến từ núi Nan Nựu, Mãnh Khố, Mãnh Tống và Cảnh Mại thường có mùi rất thơm, uống vào rồi thở ra vẫn thấy miệng thơm mùi trà. Trong khi đó vùng “đệ nhất Phổ Nhĩ sống” là núi Dị Võ lại có mùi hương rất nhẹ, nhẹ đến nỗi là lượt nước đầu tiên gần như không có mùi gì, cứ ngỡ là ngâm chưa đủ lâu. Nhưng sự thật là trà đến từ Dị Võ luôn có mùi hương nhẹ nhàng như vậy, nên dễ khiến nhiều người chê là đắt nhưng không thơm.

banh-tra-php-nhi

Những cách đánh giá mùi hương trà Phổ Nhĩ:

Một trong những cách thử mùi trà tốt nhất là làm nóng chén khải bằng nước nóng. Sau đó cho trà vào chén, đậy lại rồi lắc nhẹ. Khi mở chén ra thì chúng ta dễ dàng ngửi được mùi lá trà vì mùi hương thường rất dễ lan toả trong môi trường nóng ẩm cao. Sau mỗi lượt pha thì chúng ta cũng có thể mở nắp để ngửi trực tiếp lá trà sau mỗi lượt biến đổi ra sao. Đây cũng là cách dễ nhất để đánh giá hương trà.Khi trà đã rót ra chén thì chỉ nên rót tầm nửa chén mà thôi. Lúc này hương trà bị “bó hẹp” bởi khoảng không nhỏ giữa nước và miệng chén, nên khi chúng ta đưa mũi vào thì cũng dễ cảm nhận mùi hương hơn.
Khi ngửi trà từ chén thì chúng ta thường dùng mũi trước (orthonasal olfaction), nhưng chúng ta còn có mũi sau (retronasal olfaction) còn “lợi hại” hơn. Dùng mũi sau thì cũng chẳng có gì khó, khi vừa nuốt trà vào bụng thì chúng ta ngậm miệng lại rồi thở ra bằng đường mũi. Khi ấy hương trà sẽ được đẩy từ bụng rồi tiếp xúc với mũi sau, lên một chút là gặp mũi trước rồi mới bị đẩy ra ngoài bằng lỗ mũi. Lúc này chúng ta sẽ dùng cả mũi trước và sau thay vì chỉ dùng mũi trước khi ngửi. Những người hút thuốc hay dùng cách này để “phê” mùi hương của thuốc lá.
Còn có một cách nữa là người đáy chén sau khi đã uống hết trà. Nhưng theo kinh nghiệm của người viết thì cách này thật sự khó để đánh giá hương trà vì nếu là cùng một nhóm trà thì sự khác biệt là hầu như không có.

nuoc-tra-pho-nhi
Vị đắng

Nếu bạn có dịp xem qua trang Aliexpress, Taobao hay Ebay thì có thể thấy hầu hết những người bán trà Phổ Nhĩ đều khẳng định trà của mình làm từ cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Có người còn ghê gớm khẳng định luôn trà mình làm từ cây nghìn tuổi. Sự thật là cả thế giới chỉ còn 2 cây trà trên 800 năm tuổi và đang được bảo tồn gắt gao. Mà cho dù những cây trà cổ thụ đó được phép thu hái thì họ có bán trên thị trường hay không? Hay là mang đấu giá để được rất nhiều tiền hơn.

Ngoài ra thì việc phân biệt cây cổ thụ vẫn còn khá mù mờ. Đối với một số người thì cây phải trên 300 năm tuổi mới gọi là cổ thụ, vì đã gọi là cổ thụ thì phải bằng mấy đời người gộp lại. Nhưng đối với người khác thì cổ thụ thì chỉ cần 100 năm hay thế kỷ là đủ rồi. Chẳng biết sao nhưng nghe nói chính phủ Trung Quốc sẽ ban hành một bộ luật riêng để quy định tuổi như thế nào thì mới được gọi là cổ thụ.

6-cach-phan-biet-tra-pho-nhi-ngon-1.jpg (2)

Một bánh Phổ Nhĩ đóng vào 1990 có giá chỉ…$7, hay 150.000 đồng.

Vậy thì vị đắng giúp phân biệt tuổi cây trà ra sao?

Nếu trà uống vào có vị đắng, nhưng chuyển dần sang chát thì bánh Phổ Nhĩ đó được làm từ cây trà còn non, hay tiểu thụ.
Nếu trà uống vào có vị đắng nhẹ, nhưng chuyển dần sang ngọt và có thể kèm theo chát nhẹ thì bánh Phổ Nhĩ đó được làm từ cây trà đại thụ hay cổ thụ.

Ngoài ra thì thời gian chuyển hoá từ đắng sang ngọt chát ở cây trà cổ thụ cũng kéo dài lâu hơn so với cây trà non. Thông thường thì người uống dễ ghét vị đắng, nên khi uống trà Phổ Nhĩ làm từ cây trà non lại thích vì vị đắng mất đi nhanh. Trong khi đó vị đắng ở cây trà cổ thụ lại kéo dài nên lại rất khó chịu.

Tuy nhiên vị đắng một phần cũng là do giống và vùng trà, nên dù có làm từ cổ thụ hay tiểu thụ vì vẫn đắng nhiều. Cùng thuộc Vân Nam nhưng cây trà đến từ núi Bố Lãng thường có vị đắng nhiều, trong khi đó trà đến từ Dị Võ lại nhẹ nhàng hơn.

Vị chát

Vị chát là vị khi đầu lưỡi của chúng ta cảm thấy tê tê hay cay cay giống như uống rượu vang. Thông thường thì bánh trà Phổ Nhĩ làm từ cây trà non hay trà mới được trồng bởi bàn tay con người sẽ chát nhiều hơn so với trà cổ thụ.

Hậu Vị

So với vị đắng và vị chát thì hậu vị sẽ dễ cảm nhận hơn. Hậu vị mà hầu hết người uống trà mong muốn ở trà đó là vị ngọt. Cây trà cổ thụ thường sẽ có hậu ngọt kéo dài ở cổ họng, không thấy khô cổ, nuốt nướt miếng liên tục vẫn thấy ngọt. Còn cây trà non có thể có cùng độ ngọt, nhưng có thể sẽ thấy khô cổ, đồng thời vị ngọt cũng phai đi rất nhanh.

Đánh giá qua trà khí và trà tuý

Trà Khí

Trà Khí là từ bạn sẽ hay bắt gặp khi nói chuyện với người uống Phổ Nhĩ lâu năm. Nếu nói theo cách kiếm hiệp thì cây trà cổ thụ có nhiều “khí” vì cây trà đã hấp thụ tinh khí đất trời trong hàng trăm năm. Nên khi uống trà Phổ Nhĩ làm từ cây trà cổ thụ, bạn sẽ hấp thụ phần tinh khí ấy nên sẽ thấy được thư giãn và sung mãn ở cơ thể lẫn trí óc. Còn nhận định mang tính khoa học thì cũng giống như nhân sâm, cây trà càng nhiều tuổi thì dưỡng chất càng nhiều. Nên khi chúng ta uống vào sẽ thấy tỉnh táo, đầu óc lẫn cơ bắp được thư giãn, ấm bụng, và cảm giác “lâng lâng” khó tả. Những bánh Phổ Nhĩ có phẩm chất tốt làm từ cây trà cổ thụ thường sẽ mang lại những cảm giác vừa nêu. Chính vì mang lại cảm giác “phê” như vậy nên Phổ Nhĩ khi đã uống quen rồi thì sẽ rất dễ “nghiện”.

6-cach-phan-biet-tra-pho-nhi-ngon-1.jpg (1)

Biển quảng cáo Phổ Nhĩ ở sân bay.

Theo kinh nghiệm riêng của người viết thì trà khí mặc dù khá mơ hồ nhưng lại là cách đánh giá chất lượng trà chính xác nhất. Hãy cứ tưởng tượng khi thức dậy với một tâm trạng và cơ thể mệt mỏi, sau khi ăn sáng thì lại thấy đầy bụng.

Trà tuý hay say trà thì đúng như tên gọi của nó, chúng ta cảm thấy say thật sự vì uống quá nhiều trà. Cảm giác say trà thông thường sẽ bao gồm những cảm giác giống như trà khí nhưng lại kèm theo những hiệu ứng “xấu” chẳng hạn như: bụng nhộn nhạo, buồn nôn và chóng mặt. Đây chỉ là hiện tượng dễ gặp khi chúng ta uống quá nhiều trà mà thôi nên không cần phải quá lo lắng. Dù bánh trà có phẩm chất tốt như thế nào mà chúng ta uống quá nhiều thì cũng dễ bị say. Nhưng cần nên lưu ý là những bánh trà phẩm chất kém thì chúng ta chỉ có “say” (buồn nôn hay chóng mặt) chứ không có “phê” (tỉnh táo, thư giãn, lâng lâng).

Đánh giá bằng màu nước trà

Màu nước trà theo kinh nghiệm riêng của người viết thì cũng không quan trọng lắm vì cái này rất dễ làm giả. Phổ Nhĩ chín thì khó phân biệt vì hầu hết có màu nâu đỏ sẫm hay cánh gián.

Phổ Nhĩ sống thì dễ quan sát hơn. Bánh Phổ Nhĩ sống có phẩm chất thật sự tốt thì khoảng vài năm đầu có màu vàng sáng, gần 5 năm thì sẽ chuyển sang vàng cam nhạt, còn gần 10 năm mới có màu cam đỏ hay nâu đỏ. Nếu bánh còn ít tuổi mà đã chuyển màu sớm thì hãy nên cẩn thận.

Làm thế nào để tránh trà Phổ Nhĩ ‘đểu’?

Trà Phổ Nhĩ quá đắt đỏ nên hàng giả hay hàng dựng cũng đầy rẫy. Sau đây là một số kinh nghiệm góp nhặt được, tất nhiên là không đầy đủ nên quý bạn đọc có thể đóng góp vào bình luận bên dưới.

Nên tránh những bánh trà quá cũ. Cẩn thận với những bánh trà mà người bán khẳng định là trước năm 2000s. Bánh trà Phổ Nhĩ ‘đểu’ hiện nay thường được gian thương phóng đại là làm vào những năm 90s hay 80s. Vì đây là khoảng thời gian an toàn vì trước 80s thì chẳng ai tin, còn sau 2000s thì lại không được giá. Một kinh nghiệm nhỏ được người uống truyền nhau là những bánh từ trước 2000 thì thường không có ngày sản xuất. Phần lớn những nhà sản xuất trà Phổ Nhĩ mới bắt đầu đóng date vào bánh trà của mình vào những lô trà sau năm 2000. Vẫn có một số ít nhà sản xuất đã đóng ngày sản xuất từ những năm 90s nhưng rất ít. Dù không chính xác 100% nhưng nếu thấy một bánh trà đóng ngày sản xuất là 30-01-1998 thì cứ cẩn thận trước đã.

Nên tránh những hãng quá nổi tiếng. Để tránh bị lừa thì thường người mua hay tìm đến với những hãng danh tiếng. Thế nhưng mua trà của những hãng này thì lại có nguy cơ mua nhầm hàng giả rất cao. Lý do là những hãng trà trở nên nổi tiếng một phần là do chất lượng trà mà thôi, mà chủ yếu là họ bỏ rất nhiều tiền vào khâu quảng cáo. Từ bảng hiệu sân bay cho đến TV họ đều có mặt cả. Do đó để kiếm ăn thì các hãng nhỏ bé không ai biết đến sẽ làm hàng giả hàng nhái mà ăn theo. Những bánh trà thuộc hàng ‘bán cực chạy’ của những hãng lớn là hay dễ bị làm giả nhất, do đó nên cần tìm nguồn mua trà thật sự uy tín. Đó là chưa kể đến việc các hãng lớn danh tiếng đôi khi cũng nhập nhằng thông tin sản phẩm. Nhiều lúc họ chỉ trộn một lượng rất nhỏ lá trà cổ thụ vào trà trồng, nhưng bánh nào cũng đóng mác là trà cổ thụ hết. Cây trà cổ thụ chẳng còn lại được bao nhiêu mà hãng nào cũng làm hàng chục tấn mỗi năm thì chẳng biết đào ở đâu ra. Mà nếu không nhập nhằng vậy thì tiền đâu mà đổ vào quảng cáo cho được. Nhưng uống trà của những hãng nổi tiếng sẽ đảm bảo về vấn đề vệ sinh hơn. Bản thân người viết đôi lúc pha trà vẫn thấy hạt thóc và sạn có trong bánh trà của một số thương hiệu nhỏ. Riêng mình thì lại thấy thích như vậy vì như vậy mới đúng kiểu do nông dân làm, còn một số người thì có lẽ sẽ không thích vì sợ bẩn.

Đừng quá chú trọng vào vùng trà. Người uống trà rất dễ chạy theo vùng trà để đảm bảo mình mua được trà chính gốc. Đây là một cách hay nhưng nhiều khi lại nhiều bất cập. Lấy ví dụ là núi Dị Võ nổi tiếng về Phổ Nhĩ sống, bây giờ người bán họ lấy bánh trà ở nơi khác, rồi in bao bì Dị Võ rồi bọc vào thì chẳng ai biết đó là đâu. Nhiều khi mua được bánh trà quý từ vùng trà trứ danh, nhưng hoá ra chất lượng cũng chẳng hơn những dòng phổ thông là bao nhiêu. Cách tốt nhất để tránh điều này là thay vì quan trọng mấy dòng chữ in trên bao bì, thì hãy chú trọng vào hương vị thật sự của bánh trà bên trong. Vì bao bì có thể làm giả chứ hương vị của trà thì gần như là không thể. Nếu bánh trà được làm đâu ra đó, hương vị đâu ra đó thì cần gì quan trọng nó đến từ đâu. Trà ngon không cứ bắt buộc phải đến từ vùng trà nổi tiếng nhất, trà đắt nhất không có nghĩa là trà ngon nhất.

Nguồn : Tiến Vũ

Like và Share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích.... Share on Facebook Share on Google+ Tweet about this on Twitter Share on LinkedIn
Các tin khác

Click Ngay